Nông sản Việt "xuất ngoại" đầu năm
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu, ngày mai (mùng 10 Tết, tức là ngày 31.1.2023), doanh nghiệp Toàn Cầu sẽ xuất đi 1 container hàng hóa sang thị trường Mỹ, gồm 23 tấn các loại sản phẩm cà phê đã qua chế biến sâu, được pha trộn mang hương vị các loại nông sản đặc thù của Việt Nam như trái nhàu, khoai môn, bạc hà, dừa...
Tiếp theo đó, ngày 20 tháng giêng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục có lô hàng xuất khẩu đi Cộng hòa Czech. Mặc dù dự báo năm 2023 có nhiều thách thức, nhưng Toàn Cầu sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các đơn hàng sang thị trường Châu Âu (EU), gồm các nước: Na Uy, Phần Lan, Pháp...
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TPHCM) cũng tỏ ra phấn khởi khi tình trạng đơn hàng xuất khẩu đang rất lạc quan. Trong dịp Tết Quý Mão vừa qua, công nhân của Thành Nhơn chỉ nghỉ mùng 1 Tết để dồn tổng lực kịp giao hàng cho đối tác, bởi từ cuối năm 2022 sau khi nhận lô hàng mẫu, khách hàng đã ký hợp đồng mua 100 tấn cua Cà Mau. Ngoài ra, khách hàng còn ký thêm hợp đồng 3.000 tấn tôm hùm xuất khẩu chính ngạch đi Hồng Kông (Trung Quốc).
Đặc biệt, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo dồn dập không khí sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác.
Thông tin từ Tập đoàn Tân Long cho biết, thương hiệu gạo A An đã có mặt tại các thị trường lớn và có yêu cầu kỹ thuật cao như Nhật Bản, Đức, Czech, Thụy Điển…
Theo ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, Tân Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực giá trị cao như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật. Sau Nhật Bản, Tân Long sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ, Châu Âu (EU).
Lộc Trời cũng là một trong những doanh nghiệp đạt được đơn hàng lớn xuất khẩu gạo sang Châu Âu. Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - cho biết: Doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng với 40.000 tấn gạo cho thị trường EU giao trong năm 2023.
Doanh nghiệp Trung An cũng đã ký đơn hàng xuất khẩu gạo, giao trong năm 2023 với số lượng lên đến 30.000 tấn gạo các loại cho các đối tác từ Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Úc, khu vực Trung Đông, EU.
“Ngay từ mùng 4 Tết, doanh nghiệp đã trở lại sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác. Hiện tại giá gạo đang rất tốt và Trung An đang bán với giá từ 600-1.250 USD/tấn, ngay cả gạo 100% tấm cũng bán với giá lên đến 468 USD/tấn” - ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ.
Cùng với mặt hàng thủy, hải sản và lúa gạo, mặt hàng trái cây cũng đang được xuất khẩu mạnh khi hàng loạt đơn hàng, nghị định thư đã được ký kết từ cuối năm 2022, tạo đà cho xuất khẩu năm 2023.
Bà Ngô Tường Vy - CEO Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu - phấn khởi thông tin: Công nhân của doanh nghiệp này đã đi làm trở lại từ mùng 6 và đang đẩy mạnh thủ tục để xuất khẩu những lô hàng sầu riêng đầu tiên vào thị trường Trung Quốc; xuất khẩu bưởi và các loại nông sản khác sang thị trường Mỹ. Đây là những thị trường rất tiềm năng trong năm 2023 và thời gian tới, bởi hiện tại các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Biến chiến lược thành chương trình hành động thực tế
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), ngoài các mặt hàng chủ lực như đồ gỗ, thủy sản, gạo, trái cây, thì nhiều mặt hàng khác cũng mang lại giá trị lớn cho ngành nông nghiệp. Hiện tại, ngành NNPTNT có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên trên 3 tỉ USD trong năm 2022, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ (10,92 tỉ USD); tôm (4,33 tỉ USD); cà phê (3,94 tỉ USD); gạo (3,49 tỉ USD); cao su (3,31 tỉ USD); rau quả (3,34 tỉ USD); hạt điều (3,07 tỉ USD).
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã xây dựng được 6 vùng nguyên liệu, trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long có lúa gạo, Tây Nguyên có cà phê, cây ăn quả khác… Các vùng nguyên liệu này vừa mang tính chất đáp ứng thị trường, vừa để chế biến sâu nông sản để phát triển lâu dài và đạt giá trị cao thay cho chỉ xuất khẩu nông sản thô với giá trị thấp.
"Bộ NNPTNT đang có chương trình hành động cho từng vùng, có chiến lược, đề án quy hoạch đưa vào hành động thực tiễn, cần sự liên kết của các địa phương trong vùng sinh thái và chuyển hóa hết những chiến lược chung của từng vùng. Bộ NNPTNT cùng với các bộ khác sẽ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp thì sẽ chuyển hóa đến từng địa phương" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Laodong.vn