Thứ Sáu, 22/11/2024 02:29:02 GMT+7
Lượt xem: 2499

Tin đăng lúc 18-03-2019

Nông sản Việt Nam vào thị trường EU phải truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc đang là một yêu cầu ngày càng trở nên phổ biến với hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu (EU), đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Nông sản Việt Nam vào thị trường EU phải truy xuất nguồn gốc
Thị trường châu Âu yêu cầu bắt buộc nông sản nhập khẩu vào khu vực này phải truy xuất được nguồn gốc đang đặt ra thách thức cho trái cây Việt Nam

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Hòa Kỳ. Tính đến hết tháng 10/2018, xuất khẩu của Việt Nam và EU đạt 34,9 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng xuất khẩu lên tới 10%/năm, nông sản hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang EU.

 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong năm nay. Khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, với việc loại bỏ hơn 99% giảm thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, đây sẽ là cơ hội lớn cho các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam, đặc biệt là nông sản.

 

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến ngày 15/10/2018, Cục đã bảo hộ cho 852 đối tượng có dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 60 chỉ dẫn địa lý, 189 nhãn hiệu chứng nhận và 602 nhãn hiệu tập thể.

 

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 1 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại thị trường EU là nước mắm Phú Quốc. Khi hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực, EU sẽ công nhận và bảo hộ 39 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như thanh long, cà phê, hạt điều, chè… có khả năng khai thác để hưởng lợi lớn từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý.

 

Tuy nhiên, một trong các điều kiện cần đạt được là các sản phẩm nông nghiệp sẽ phải đảm bảo tốt các vấn đề về kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Đây cũng chính là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

 

Chia sẻ tại diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU, Trưởng ban kinh tế và thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, bà Miriam Garcia Ferrer nhận định, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi sẽ mang lại cơ hội cho cả 2 bên bởi trong số 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường châu Âu, Việt Nam đang đứng thứ 10 và chiếm chỉ 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU, như vậy dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam vào EU còn rất lớn trong thời gian tới.

 

 “Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu vào EU từ trước đến nay đều phải tuân thủ các điều khoản thương mại cũng như khuôn khổ pháp lý của EU là rất khắt khe. Do vậy, hai bên cần phải biết “luật chơi” và tuân thủ những quy định chung giúp minh bạch thị trường, giải quyết các bất đồng phát sinh trong hoạt động thương mại”, bà Miriam Garcia Ferrer khuyến cáo.

 

Nhiều chuyên gia nhận định, nông sản Việt là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay, một số DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU. Đặc biệt, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, phê, thanh long, vải thiều,…

 

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN gặp khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản bởi không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Tại nhiều quốc gia ở Mỹ, châu Âu vốn là những thị trường khó tính, họ có yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải chứng minh không chỉ nơi gia công, chế biến cuối cùng mà cả quá trình thu gom nguyên liệu, đánh bắt, nuôi trồng trước đó nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, không vi phạm các quy định về môi trường.

 

Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN. Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, DN  và người tiêu dùng hiện nay cũng chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Thậm chí một số người còn nghĩ rằng việc truy xuất nguồn gốc là không cần thiết.

 

Song song với đó, các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ còn gặp nhiều khúc mắc trong việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể.

 

Vậy giải pháp nào để tăng cường hiệu quả vấn đề kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ khi EVFTA có hiệu lực? theo PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh - trường Đại học Thương mại Hà Nội cho biết, cần có sự quy hoạch rõ ràng tại mỗi vùng sản xuất dưới sự quản lý của các doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã kiểu mới để kiểm soát tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Trao quyền quản lý cho các tổ chức tập thể đang trực tiếp sản xuất kinh doanh tại các vùng đặc sản. Có sự tham gia hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo chọn những giống cây phù hợp nhất để có thể đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng theo quy định quốc tế.

 

Nguồn VietQ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang