Những gam màu trái ngược
Vụ vải thiều 2018 của tỉnh Bắc Giang đạt sản lượng 215.800 tấn, tổng giá trị khoảng 5.755 tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục trong hơn 50 năm nay trên vùng đất vải thiều. Vải thiều đã được xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ, trong số này có những thị trường lớn và “khó tính” như EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản... với sản lượng hơn đạt 97.100 tấn (chiếm 45% tổng sản lượng), giá trị xuất khẩu 170,5 triệu USD.
Thị trường tiêu thụ vải thiều trong nước đạt 118.700 tấn (chiếm 55% tổng sản lượng vải). Trong đó tập trung ở các tỉnh lân cận phía Bắc cùng các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM… Bên cạnh các chợ đầu mối, những trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và một số siêu thị như Coop.Mart, Happro cũng là nơi bao tiêu các sản phẩm vải thiều.
Trái với một mùa vải bộ thu, đầu tháng 10/2018, thanh long mất giá thê thảm, giảm từ 20.000 – 25.000 đồng/kg xuống còn 2.000-3.500 đồng/kg, khiến nông dân các tỉnh Bình Thuận, Long An… lao đao. Nhiều nhà vườn đã lỡ thu hoạch thanh long mà không bán hết phải đổ bỏ hoặc cho gia súc ăn. Cũng có nhiều nhà không thu hoạch mà để trái chín đầy vườn vì có hái cũng không bán được, mà bán thì giá bán cũng không đáng so với chi phí nhân công thu hoạch.
Không chỉ thanh long, thị trường nông sản Việt trải qua nhiều những cuộc “giải cứu” từ dưa hấu đến hành tím, mía đường… Qua các cuộc “giải cứu” đã bộc lộ điểm yếu nhất trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đó là công tác dự báo thị trường, liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Ông Lã Văn Bắc, ở xã Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) - một nhà vườn trồng cam chia sẻ, hiện người dân vẫn đang trồng trọt và chăn nuôi theo năng lực của từng hộ gia đình, vốn vay được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Thường thì không có sự liên kết với doanh nghiệp, hay các hộ nông dân khác. Nhà này thấy nhà kia trồng cây tốt, thu hoạch bán được giá là vụ sau lại chuyển đổi sang trồng theo.
Tuy duy về sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân vẫn dừng ở “giá tốt thì trồng” chứ không có thông tin thị trường định hướng cho tổ chức sản xuất.
Bị động với thị trường
Thông kê của Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á khu vực Bằng Tường, vào đầu tháng 10 hàng năm, thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang khá ít, chỉ khoảng 50-60 xe/ngày (container 20 tấn). Tuy nhiên năm nay, do lượng thanh long giao mùa từ Việt Nam tăng mạnh nên mỗi ngày vẫn có tới khoảng 100 xe thanh long, điều này khiến giá bị giảm.
Vào đầu tháng 10/2018, người dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đổ bỏ thanh long bị ế.
Nếu như trước đây, thị trường thanh long Trung Quốc gần như Việt Nam “độc chiếm” thì năm nay thanh long Việt Nam đang chịu cạnh tranh với thanh long được trồng tại Trung Quốc. Hiện đã có 8 tỉnh của nước này trồng thanh long với khoảng trên 20.000 ha, nhiều nhất tại Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam... và diện tích đang không ngừng tăng lên.
Như vậy, nguyên nhân khiến thanh long Việt Nam mất giá về cơ bản là do nguồn cung vượt cầu. Ngoài ra, do thu hoạch sớm, chất lượng thanh long chưa đạt cũng khiến giá thanh long không còn được như kỳ vọng.
Câu chuyện về giá thanh long vẫn là bài toán thị trường, tiêu thụ sản phẩm với nông sản Việt. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dự báo thông tin thị trường, đánh giá nhu cầu thì vai trò chính là của cơ quan chức năng. Người dân từ đó nắm bắt thông tin và điều chỉnh sản xuất, để người dân tự đánh giá thị trường là không thể. Do đó, khi nông sản dư thừa một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Vấn đề tổ chức các kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt, nông sản phải qua quá nhiều kênh trung gian, lợi ích thuộc về thương lái. Ngoài thị trường xuất khẩu thì không thể xem nhẹ thị trường nội địa với 90 triệu dân, đây là nguồn tiêu thụ khá ổn định. Một thực tế, đa số người Việt Nam lại chưa được mua những nông sản ngon do nông dân Việt sản xuất” – ông Ngô Trí Long nói./.
Nguồn VOV