Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Luật PCTN hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ Phó phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo Luật hiện hành, thì mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.
Tổng hợp ý kiến tại hội trường cho thấy có hai luồng ý kiến về đề này. Nhóm đồng ý cho rằng, quy định mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập nhằm tiến tới tất cả cán bộ, công chức sẽ giúp cho công tác quản lý kê khai tài sản được thực hiện có hệ thống chặt chẽ, minh bạch. Đồng thời, dự thảo luật đã tính toán đến phương án tích hợp các cơ sở dữ liệu để kiểm soát tài sản ngay từ đầu và quy định nhiều đợt kê khai tài sản khác nhau để phục vụ cho công tác cán bộ. Đây cũng là giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Đồng ý về mặt phải kê khai tài sản, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cho rằng, cần thay đổi quy định về yêu cầu kê khai (thời gian, mức thu nhập tăng thêm phải kê). Cụ thể, tại Điều 42 quy định về "Yêu cầu kê khai và cung cấp khi có biến động tài sản thu nhập", theo như luật thì không thể làm được, có nghĩa tài sản cứ tăng là phải kê khai. Ông Phương đề nghị kê khai tài sản 1 năm 1 lần và số lượng tài sản tăng từ 100 triệu đồng trở lên, hiện nay chúng ta kê khai tài sản là 50 triệu đồng, lương bây giờ đã tăng nên không thể giữ mức 50 triệu đồng nữa. Theo dự thảo ban đầu là 300 triệu đồng trở lên thì lại quá nhiều.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến lo ngại về việc đối tượng mở rộng quá sẽ quá tải việc kiểm soát theo dõi dẫn đến Luật thiếu tính khả thi, mang tính hình thức. Cơ quan có thẩm quyền không thực hiện được các biện pháp kiểm tra tính trung thực của các bản kê khai tài sản, làm giảm hiệu quả của biện pháp ngăn ngừa này. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của biện pháp này thì không nên mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập như trong dự thảo luật mà nên nghiên cứu thu hẹp diện đối tượng kê khai tài sản thu nhập. Việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở Trung ương và địa phương và thuộc các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao.
Đối với khu vực tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Bắc Kạn cho rằng, dự thảo giao trách nhiệm cho khu vực tư phải căn cứ vào các quy định về kê khai tài sản đối với các công chức để ban hành quy định về kê khai tài sản đối với người quản lý doanh nghiệp mình. Theo đó, những người này phải kê khai cả tài sản của vợ, chồng, con chưa thành niên. Khi có thu nhập trong năm tăng từ 300 triệu đồng trở lên thì phải kê khai bổ sung và giải trình nguồn gốc tài sản như áp dụng đối với công chức. Việc dự thảo quy định như nhau đối với hai chủ thể hoàn toàn khác nhau là chưa phù hợp.
"Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải đánh giá kỹ tác động của quy định này, nhất là tác động đến chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp" – bà Thủy nêu quan điểm.
Mặc khác, theo dự thảo sẽ có 1.800 công ty đại chúng và 128 tổ chức tín dụng ngoài nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó sẽ có rất nhiều công ty đại chúng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, 57 ngân hàng và chi nhánh là 100% vốn của nước ngoài. Vậy, vấn đề đặt ra là khi các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu kê khai không trung thực thì liệu doanh nghiệp có phải ra nước ngoài để xác minh tài sản của họ hay không? Kinh phí ở đâu để chi trả cho việc này hay hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp. Việc xác minh tài sản của vợ, con họ tại nước ngoài liệu có được pháp luật quốc gia đó cho phép hay không? Nếu doanh nghiệp không ra nước ngoài để xác minh tài sản thì trách nhiệm của doanh nghiệp trước pháp luật sẽ như thế nào đều chưa được dự thảo làm rõ.
Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, dự thảo đưa ra 2 phương án gồm: (1) Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật PCTN . Chính phủ lựa chọn phương án này; (2) Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.
Đối với cả 2 phương án, dự thảo Luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
Góp ý về 2 phương án nêu trên, loại ý kiến thứ nhất: Tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật và cho rằng, đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp thì trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế và buộc họ phải nộp thuế là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Phương án này không mâu thuẫn với các quy định hiện hành của pháp luật hình sự, dân sự và hạn chế ít nhất việc phải sửa đổi các luật có liên quan. Về mức thuế, nhiều ý kiến của UBTP tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ; tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Loại ý kiến thứ hai: Tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật vì cho rằng, mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính; cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật PCTN, trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Vì vậy, đối với tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì Nhà nước sẽ xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không minh bạch. Phương án này thể hiện chế tài nghiêm khắc của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; khắc phục tính hình thức trong kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTN, chưa quy định về thẩm quyền xử phạt và mức phạt. Do đó, nếu áp dụng theo phương án này thì cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCTN, đồng thời sửa đổi về thẩm quyền, mức phạt.
Thực tế ở nước ta hiện nay việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức là hết sức khó khăn, cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác như thu từ thù lao giảng dạy, làm báo cáo viên kiêm nhiệm, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia thị trường bất động sản, chứng khoán v.v... đã giúp họ thu về những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do họ có thể che giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và việc che giấu không kê khai này là sai, trái với quy định nhưng theo quan điểm luật học cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp.
Tuy nhiên đại biểu Trịnh Ngọc Thúy - TP Hồ Chí Minh lại đồng ý với phương án 2 vì chỉ nên đặt chế tài xử lý vi phạm hành chính và phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai khi có hành vi không khai đầy đủ các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, có nghĩa là các tài sản không được kê khai sẽ bị xử lý. Mức độ xử lý tùy theo quy định, có thể tịch thu toàn bộ. Đối với các tài sản, thu nhập đã được người có nghĩa vụ kê khai khai đầy đủ, không có cơ quan có thẩm quyền nào chứng minh là có liên quan đến vi phạm pháp luật, hành chính, hình sự hay buộc phải thực hiện nghĩa vụ dân sự thì những tài sản này đương nhiên là tài sản hợp pháp, áp dụng cho mọi công dân trong xã hội.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ từ "hợp lý" trong giải trình vì nó không định tính, định lượng rõ ràng, không thể làm cơ sở áp dụng bắt buộc, nó chỉ phù hợp trong xây dựng pháp luật dân sự không thể là quản lý hành chính nhà nước, vừa không có cơ sở lý luận, vừa không phù hợp thực tiễn. Mặt khác, nếu quy định chỉ xử lý tài sản người có nghĩa vụ kê khai mà không giải trình nguồn gốc thì không bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu áp đặt sẽ không khả thi, dễ chủ quan, tùy tiện làm cản trở sự phát triển.
Theo Báo Công Thương điện tử