Chủ trì cuộc họp đầu tiên với hệ thống hành pháp cả nước sau khi Chính phủ kiện toàn 21 thành viên mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt 5 điểm lớn thể hiện tinh thần chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Siết chặt kỷ cương
Đó là, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí, kỷ luật, kỷ cương, phục vụ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.
“Nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý tốt hơn để người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương.
Thứ ba, tăng cường minh bạch, trách nhiệm thực thi, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho trong tất cả các lĩnh vực, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong hành động và chính sách.
Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa, những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm thay vì nhà nước làm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, tạo việc làm mới.
Các ngành, các địa phương đều phải có đề án xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, thẩm quyền cấp nào thì cấp đó quyết định, chịu trách nhiệm, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên; đặc biệt lưu ý công tác phối hợp để giải quyết các vấn đề liên ngành.
“Việc tăng cường kỷ luật kỷ cương phải được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách hàng đầu của Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Tăng cường kỷ luật kỷ cương, thượng tôn pháp luật gắn với phát huy dân chủ sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát, thống kê, báo cáo. Có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai, thực hiện.
Hướng vào tăng trưởng
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp như việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, Thủ tướng cho biết, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, nông nghiệp lần đầu tiên sụt giảm, nợ xấu, nợ công... Bên cạnh yếu tố khách quan thì tình trạng tăng trưởng chậm còn do nguyên nhân chủ quan, cụ thể như giải ngân chưa đạt.
Thủ tướng kết luận phiên họp Chính phủ với các địa phương
“Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hành động quyết liệt, ưu tiên tập trung xử lý các điểm nghẽn để tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn. Trước mắt, chưa điều chỉnh chỉ tiêu Quốc hội đã giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề ra hàng loạt giải pháp, tạo thêm "dư địa" cho tăng trưởng, để đạt mục tiêu đề ra.
Đó là tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, trong đó hết sức lưu ý rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; xóa triệt để "giấy phép con".
Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán cả doanh nghiệp lãi cao, bán hết phần vốn nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Thủ tướng cũng cho rằng còn có thể khai thác tiềm năng tăng trưởng qua các giải pháp như giải pháp không tốn tiền bạc là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất bởi nông nghiệp vẫn là động lực của tăng trưởng; mở rộng, tận dụng mọi thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Thủ tướng cũng lưu ý “không vì môi trường đầu tư mà bỏ qua môi trường sống của người dân”.
Đặt bài toán phải làm sao huy động được vốn, gồm cả vàng và tiền trong dân, Thủ tướng giao giải pháp tăng trưởng mà cũng là nhiệm vụ này cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ trong phiên họp sau, bởi nguồn lực trong dân còn rất lớn.
“Chúng ta quyết không phụ lòng tin của nhân dân đối với Chính phủ. Tôi đề nghị các cấp, các ngành làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, hoàn thành tốt kế hoạch 2016 ở mức cao nhất có thể”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Tinh thần khởi nghiệp đang lên rất cao
Tại phiên họp, ý kiến phát biểu của các địa phương thể hiện sự đồng tình cao với các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua của Chính phủ, nhất là đã xử lý kịp thời, quyết liệt các vấn đề phức tạp phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân cũng như chọn vấn đề đột phá về khơi dậy tinh thần tự tôn của doanh nghiệp, doanh nhân, vươn lên trong cạnh tranh, làm chủ sân nhà.
“Tinh thần khởi nghiệp đang lên rất cao, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tăng cao so với cùng kỳ”, lãnh đạo tỉnh Yên Bái bày tỏ. “Chắc chắn, tình hình quý III cũng như 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn”, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định.
Từ các đặc thù của địa phương, các ý kiến đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhiều vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Chiếm một nửa trong tổng số khoảng 8.000 tàu cá xa bờ của cả nước, tỉnh Bình Định cho rằng việc giải ngân theo Nghị định 67 về đóng tàu cá cho ngư dân còn chậm, mong muốn Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt hơn, có biện pháp hỗ trợ tỉnh nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu bị sạt lở. Chịu thiệt hại nặng nề do hạn mặn, tỉnh Sóc Trăng cho rằng cần triển khai ngay các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Cùng tâm tư như các tỉnh về tình trạng giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn chậm, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nhìn nhận, vấn đề vốn đối ứng ODA đang là một vướng mắc. Để khắc phục điều này, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đề nghị thực hiện theo cách Chính phủ đi ký hợp đồng vay, nhưng cho tư nhân được phép cung cấp vốn đối ứng. Sau khi hoàn thành, tài sản sẽ do nhà nước và tư nhân cùng khai thác, như vậy sẽ đỡ gánh nặng vốn đối ứng cho ngân sách.
Tại cuộc họp, nhiều thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức, điển hình như nông nghiệp sụt giảm, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp thấp hơn nhiều so với cùng kỳ…
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng nêu vào đầu phiên họp là làm thế nào để kéo tăng trưởng của nông nghiệp lên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm thiệt hại 16.900 tỷ đồng, bằng 0,9% tổng giá trị nền kinh tế làm ra trong 6 tháng. Trong đó, trồng trọt giảm 1,3 triệu tấn lúa ở ĐBSCL do xâm nhập mặn. Nhưng bù lại chăn nuôi tăng trưởng tốt, xuất khẩu tăng.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, “hạn” của nông nghiệp đã qua; hạn hán, xâm nhập mặn đã qua, sự cố cá chết cũng giảm tác động, thị trường đã khởi sắc nên ông tin tưởng 6 tháng cuối năm nông nghiệp sẽ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, để nông nghiệp phát triển tốt cần tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất và tăng hiệu quả sản xuất…
Nhất trí với ý kiến của tỉnh Bình Định về tình hình giải ngân theo Nghị định 67 còn chậm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cam kết, sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ liên quan để thúc đẩy vấn đề này.
Lắng nghe ý kiến các địa phương, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa chia sẻ, sự phát triển kinh tế của các tỉnh phụ thuộc nhiều vào kết cấu giao thông, “Dự án hạ tầng nào địa phương cũng báo cáo cũng thấy cấp bách, cần thiết cả. Chúng tôi ghi nhận, sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét ưu tiên bố trí nguồn vốn cho cái nào trước, cái nào sau”.
Theo Báo điện tử Chính phủ