Chưa đầy 5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu hơn 50.000 ô tô, kim ngạch đạt mức hơn 1 tỷ USD, giảm 12% về lượng, giảm 17,3% so với cùng kỳ 2023.
Trong nửa đầu tháng 5, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể so với sản lượng nhập khẩu ghi nhận ở nửa cuối tháng 4 (5.066 xe), đồng thời cũng cao hơn 448 xe so với tổng sản lượng nhập khẩu trong giai đoạn từ 1/4 đến hết ngày 15/4.
Cụ thể, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm hàng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/5 đến hết ngày 15/5, 5.483 xe 9 chỗ ngồi trở xuống “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam, đã hoàn tất thủ tục thông quan, giá trị kim ngạch gần 95 triệu USD.
Tính đến hết tháng 4, Indonesia vẫn là nguồn cung cấp ôtô nhập khẩu lớn nhất cho thị trường Việt Nam với 19.900 xe hoàn tất thủ tục thông quan, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 287 triệu USD. Thái Lan xếp thứ hai với 13.406 xe nhập khẩu nguyên chiếc, giá trị kim ngạch hơn 266 triệu USD. Trung Quốc đứng thứ 3 với 8.848 xe, kim ngạch 268,92 triệu USD (ở cùng kỳ của năm 2023, con số này chỉ là 3.593 xe).
Về doanh số, báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy tính đến hết tháng 4, lượng tiêu thụ của ôtô nhập khẩu tại thị trường Việt Nam đạt 39.613 xe, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, doanh số của xe nhập khẩu và xe lắp ráp đang tạm thời chưa có sự chênh lệch lớn khi doanh số lũy kế của ôtô nội địa từ đầu năm đạt 42.902 xe, giảm 17% so với cùng kỳ của năm 2023.
Các dòng xe nhập khẩu chủ yếu bao gồm các mẫu xe hạng sang, xe gia đình và xe thể thao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam. Thị trường ô tô trong nước đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu nổi tiếng như Toyota, Honda, Mercedes-Benz, và BMW, cùng với sự xuất hiện của nhiều dòng xe mới từ các nhà sản xuất khác.
Sự gia tăng trong nhập khẩu ô tô cũng phần nào phản ánh xu hướng tiêu dùng của người dân, khi ô tô không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là biểu tượng của sự thành đạt và phong cách sống. Việc chi tiêu lớn vào ô tô cho thấy sự cải thiện về thu nhập và mức sống của người dân Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định, đây là một tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà kinh doanh và dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng này, các vấn đề về hạ tầng giao thông và môi trường cũng cần được quan tâm và giải quyết kịp thời để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo VNbusiness