Những ngày qua, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn luôn ở mức báo động khiến người dân lo lắng. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nước ta có thành phố "lọt top" những thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất thế giới trên nhiều thang đo quốc tế.
Tuy nhiên, trước những diễn biến rất đáng báo động của tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, ngoài việc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế đưa ra một vài giải pháp khuyến nghị người dân đối phó, chưa có bất cứ thông tin nào từ chính quyền về nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục triệt để vấn đề nghiêm trọng này.
Vì sao vẫn "im lặng"
Trao đổi với Zing về vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường đánh giá về tình trạng ô nhiễm không khí trong những ngày qua, cho rằng Hà Nội đang bước vào đợt ô nhiễm ở mức nghiêm trọng nhưng không có một đơn vị nào của thành phố đứng ra cảnh báo, nhìn thẳng vào thực trạng này.
“Khi ô nhiễm lên đỉnh điểm, các cảnh báo đã được đưa đến người dân thông qua các số liệu. Nhưng điều quan trọng hiện nay là làm sao cảnh báo được đến các nhà quản lý về thực trạng này để họ khẩn trương vào cuộc”, ông chia sẻ.
Ông Cơ đặt vấn đề so sánh trong phản ứng của chính quyền ở Hà Nội với chính quyền những thành phố khác cũng từng trải qua giai đoạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Theo đó, sau một thời kỳ phát triển nóng, chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng phải mất thời gian dài mới có thể dành sự quan tâm cho vấn đề ô nhiễm không khí và tiến hành các chính sách cải thiện tình hình.
Giáo sư Cơ quan ngại lãnh đạo Hà Nội cũng có phản ứng chậm chạp tương tự khi đứng trước tình hình này. Bởi lẽ, ô nhiễm không khí không phải vấn đề mới nhưng để giải quyết được, cần có sự quyết tâm đầu tư cả về công sức, trí tuệ và thời gian vì có thể kéo dài nhiều năm.
“Chúng ta có đủ nguồn lực để làm tình hình trở nên khả quan hơn, nhưng hiện chưa có đơn vị nào dám đứng ra làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi chưa nhìn thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.
Theo ông, tất cả nguồn lực từ ngân sách thành phố đến trí tuệ của các nhà khoa học để giải quyết tình hình chưa được sử dụng đúng mực. Tính cấp bách của hiện trạng này đã thể hiện rõ qua dư luận và những con số. Đã đến lúc các nhà quản lý không thể thờ ơ với ô nhiễm không khí được nữa.
Cần phải hành động quyết liệt hơn
Cũng theo Giáo sư Cơ, có một giải pháp mà ai cũng biết, ai cũng nói nhưng chưa thấy ai làm đó làm hạn chế nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, công trình, hạ tầng đô thị... Đây là nguyên nhân chính khiến không khí Hà Nội trở nên tồi tệ trong những ngày lặng gió bởi các chất độc hại tích tụ và không được khuếch tán.
Trước mắt, lãnh đạo thành phố đang đưa ra đề án xóa sổ than tổ ong trong năm 2020 và cấm xe máy trong năm 2030. Những đề án này hướng tới việc giải quyết tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trở nên xấu đi.
"Nhưng nó không phù hợp với đa số những người lao động ở thành phố có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. Nên dù biết rất tốt cho môi trường, đây có thể không phải giải pháp dành cho mọi người", GS.TS Cơ chia sẻ.
Ông cho rằng việc giảm thiểu phát thải nói thì rất dễ nhưng nếu nhìn rộng ra, đó là cả một bài toán lớn về quy hoạch, chính sách mà thành phố cần giải quyết. Trong lúc chưa tìm ra lời giải cho bài toán khó, thành phố cần lên tiếng trấn an và đưa ra những khuyến cáo cụ thể về tình trạng này để người dân chủ động phòng tránh thay vì im lặng.
"Người dân có thể chờ đợi vài năm để chính quyền hành động cải thiện tình hình, nhưng điều quan trọng là các nhà quản lý cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và quyết liệt vào cuộc. Nếu không, vấn đề này sẽ còn tiếp diễn từ năm này sang năm khác, ngày một nghiêm trọng và kéo theo những hệ lụy khôn lường", GS.TS Hoàng Xuân Cơ cảnh báo.
Cũng trao đổi về vấn đề này với VTC News, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, nhà nước cần phải vào cuộc, có sự đầu tư để đánh giá cụ thể vì chuyện đánh giá nguyên nhân sẽ liên quan đến việc đưa ra giải pháp sau này.
Phải đánh giá được nguyên nhân, nhân tố chính gây ra ô nhiễm với các thành phố. Chẳng hạn như vấn đề giao thông chiếm bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu đến từ các phương tiện giao thông, ô tô, xe máy cũ nát; bao nhiêu phần trăm ô nhiễm đến từ nông nghiệp như việc đốt rơm rạ; bao nhiêu phần trăm từ công nghiệp, khói bụi của các nhà máy gây ra, hay bao nhiêu phần trăm do xây dựng gây ra… phải đánh giá được chuyện đó, trên cơ sở đó xác định nguyên nhân nào dẫn đến tình trang ô nhiễm ở mỗi thành phố và từ đó đưa ra giải pháp thích hợp.
Ví dụ như các khu công nghiệp phải di dời ra khỏi các thành phố, hay các phương tiện giao thông cá nhân phải hạn chế, các loại xe quá niên hạn không cho chạy nữa; đối với nông thôn có thể vận động ngừng đốt rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc hoặc sử dụng vào việc khác…
Đặc biệt, phải cân nhắc việc sử dụng các loại năng lượng khác như năng lượng tái tạo để hạn chế lượng khí phát thải, ô nhiễm không khí, tăng cường trồng cây xanh cũng là việc làm cực kỳ quan trọng.
Tóm lại, phải có một giải pháp tổng thể tất cả các yếu tố, nhưng đối với một thành phố riêng lại phải đánh giá cái nào là yếu tố chính để từ đó có một giải pháp thích hợp nhất.
Bà cũng đưa ra giải pháp khắc phục ô nhiễm có thể bằng giải pháp hành chính, bằng thuế phí nhưng yêu cầu phải chính xác. Nếu không phân biệt được chính xác nguyên nhân gây ra ô nhiễm thì khi định ra các chính sách sẽ không khả thi và người dân sẽ kêu.
Theo tôi, Nhà nước, hay ngay tại thành phố và các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu cho chuyện này, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân trực tiếp đến giải pháp gốc để khắc phục ô nhiễm.
Theo moitruongvadothi