Tết này đụng lợn ở đâu?
Đó là câu hỏi thường gặp mỗi dịp Tết gần đến ở quê tôi khi xưa. Ngày ấy, chỉ cần nghe câu hỏi đó thôi là lũ trẻ chúng tôi đã thấy xốn xang, nôn nóng lắm rồi. Bởi như vậy là sắp đến Tết, là sắp được “hưởng thụ” bao nhiêu là cái mới; nào là quần áo mới, giày dép mới, rồi lại được ăn nhiều đồ từ kẹo bánh đến giò, thịt… Chả thế mà chúng tôi thường tính từng ngày từ lúc cách Tết khoảng hai tháng.
Ngày ấy, đời sống còn khó khăn thiếu thốn nên thường cái gì cũng để dành đến Tết. Nhất là việc được ăn những món được coi là xa xỉ mà chỉ Tết mới có, đó là giò và bánh chưng. Nên cái cảm giác thích thú đến thèm thuồng mong nhanh đến Tết là điều thường thấy và dễ hiểu đối với lũ trẻ chúng tôi. Và thường cái mà chúng tôi được thưởng thức trước nhất của ngày Tết đó chính là món giò lợn nhúng. Mà để được thưởng thức món đó thì chỉ những nhà nào ăn đụng lợn với nhau mới có.
Chắc không chỉ ở quê tôi mà ở hầu hết những nơi khác cũng có hình thức đụng lợn mỗi dịp Tết. Thường thì là bốn, năm nhà hoặc đông hơn gồm anh em hoặc hàng xóm với nhau cùng thịt chung một con lợn. Nhà tôi đông anh em nên thường thì cả mấy gia đình cùng ăn đụng một con.
Để có được một con lợn ăn đụng thì phải tính toán chăn nuôi từ trước khoảng nửa năm. Lợn thường chỉ được ăn cám gạo với rau lang là chính nên nuôi mãi chả lớn. Cũng bởi ngày ấy khó khăn thiếu thốn, rồi thì dịch bệnh cùng với kĩ thuật chăn nuôi cũng rất thủ công nên chăn được con lợn đến Tết ăn đụng cũng là điều không đơn giản. Tết đến mà có con lợn độ năm, sáu mươi cân hơi để đụng là oách lắm rồi. Năm nào mà chẳng may dịch bệnh, lợn bị chết hoặc phải bán giữa chừng là lo sốt vó. Không phải là không tìm được lợn mà vì kinh tế khó khăn, khoản tiền để bỏ tiền ra mua thịt, giò, thực phẩm cho mấy ngày Tết luôn là lớn và vất vả nhất. Nên nuôi được lợn để ăn đụng vẫn là đỡ tốn kém và thuận tiện hơn cả.
Cứ khoảng 28, 29 Tết là mổ lợn đụng, có lẽ bọn trẻ chúng tôi là háo hức nhất việc này. Bởi cái mùi vị của món giò nhúng vẫy gọi mà đến cả năm chúng tôi mới được thưởng thức một lần với số lượng rất ít ỏi đến thèm thuồng. Ngày ấy giã giò là việc rất quen thuộc và tất nhiên bởi chưa có máy xay giò. Đây cũng là công việc nặng nhọc và cần phải có những thanh niên khỏe mạnh. Rất may phần này đã có các anh nhà các bác tôi đảm nhiệm. Bọn tôi còn nhỏ nên cứ xoăn xoe quanh các cối giã giò, chỉ chực có tí nào bắn ra là vét lấy cho vào một mảnh lá chuối đã hơ lửa được chuẩn bị để gói giò.
Cùng với tiếng giã giò lóc cóc, lộc cộc rất vui tai thì việc chực chờ vét giò rơi vãi và ở cối là điều rất thích thú. Và cái sự háu ăn, thèm thuồng khiến chúng tôi thường chỉ cần gom được mẩu giò nhỉnh hơn ngón tay cái là đã đem nhúng rồi. Chả biết có phải mùi vị từ nồi luộc lòng, và từ cục giò hấp dẫn hay vì cái sự thèm thuồng chờ đợi đến cả năm mới có ấy mà khiến cho nó ngon đến tuyệt đỉnh.
Còn tuyệt đỉnh hơn khi công việc giã giò xong, chúng tôi thi nhau vét cối đến nhẵn thín cũng được thêm chút kha khá hơn và còn được mang cả cái chày đem nhúng. Lúc này mới ăn đã hơn một chút, dù vẫn còn thòm thèm lắm nhưng rất khoái. Phải nói đó là món chúng tôi thích nhất và thấy ngon nhất bởi dù đến Tết có được ăn cả miếng giò to tướng cũng không thấy ngon bằng. Cái mùi vị ấy ngon và ấn tượng đến nỗi cho đến giờ dù đã không được thưởng thức nó đến cả hai chục năm rồi mà nghĩ đến thôi đã chảy nước miếng.
Cho đến giờ không chỉ tôi mà những người cùng thời ấy vẫn công nhận được ăn thứ giò ấy vẫn là ngon nhất. Lâu lắm rồi chẳng ai còn giã giò như trước mà đều cho vào máy xay và cái vị giò cũng không được ngon như thế. Cũng đã có lần nhà tôi thử tổ chức giã giò để tìm lại cái mùi vị như ngày xưa nhưng quả thực không sao giống được.
Có lẽ vì cuộc sống đã đủ đầy hơn rất nhiều, giò và bánh chưng được ăn thường xuyên hơn thậm chí phát chán nên ăn chẳng còn thấy ngon nữa. Thì cũng đã lâu, Tết dường như đã nhạt hơn nên cũng không còn cảm giác xốn xang chờ đợi nữa. Ngay cả bọn trẻ con bây giờ cũng chẳng thấy háo hức Tết cho lắm, ngoài việc chúng muốn đến Tết để được nhận nhiều tiền lì xì. Bởi việc ăn uống còn phải ép chúng ăn nữa là…
Ôi! Cái mùi vị của Tết ấy chắc chả bao giờ tìm lại được!?
Theo VietQ