Thứ Hai, 25/11/2024 05:58:00 GMT+7
Lượt xem: 780

Tin đăng lúc 01-10-2022

Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng

Sáng 1/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; những nhiệm vụ giải pháp những tháng cuối năm; tình hình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2022 và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cơn bão số 4 đã đi qua nhưng hoàn lưu và ảnh hưởng của bão tiếp tục gây ra lũ lụt hết sức phức tạp ở khu vực miền trung, nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến nay, theo báo cáo đã có 7 người thiệt mạng ở Nghệ An; nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân thiệt hại. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người không may bị thiệt mạng vì lũ lụt ở Nghệ An; chia sẻ với những khó khăn, vất vả của lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể, nhân dân vùng lũ lụt vừa qua.

 

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 875/CĐ-TTg ngày 30/9 chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 4; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện này. Kinh nghiệm cho thấy nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là tình hình diễn biến phức tạp.

 

Trước cơn bão số 4 đổ bộ, chúng ta đã tích cực, chủ động chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đề phòng, di dời dân theo tinh thần "4 tại chỗ", nhờ đó giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, sau bão thì một số địa phương có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không quyết liệt, nhất là nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Các địa phương cần hết sức chú ý vấn đề này, cần bám sát tình hình, diễn biến phức tạp của bão lũ, có hướng dẫn cho người dân, có những cái phải cương quyết để tránh sự cố chết người. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rút kinh nghiệm những vụ việc vừa rồi để làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

 

Đề cập phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, đây là phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình tháng 9 và 9 tháng năm 2022; đề nghị các đại biểu nghiên cứu tài liệu, nghe báo cáo, phát biểu tập trung vào các vấn đề:

 

Đánh giá tình hình tháng 9 và 9 tháng qua để xem vấn đề gì nổi lên? Những kết quả mà chúng ta đạt được trong 9 tháng; những gì làm được, chưa làm được? nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm gì trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở các cấp.

 

Tháng 10 và những tháng còn lại của năm 2022 thì dự báo tình hình có những vấn đề gì có thể tác động lớn đất nước chúng ta, trên cơ sở đó có những nhiệm vụ giải pháp mới ngoài những biện pháp thường xuyên, để ứng phó kịp thời, hiệu quả; nhất là những tác động lớn tình hình kinh tế-xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại.

 

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

 

Thủ tướng nêu rõ, 9 tháng qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh, khác thường, khó lường, chưa có tiền lệ; ngay như vấn đề thiên tai, bão lũ cũng bất thường, phức tạp. Tuy nhiên, 9 tháng qua, chúng ta đã hoàn thành những mục tiêu lớn đề ra: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại, phù hợp tình hình quốc tế.

 

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ: GDP quý III tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%; tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn: CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu, tạo dư địa hỗ trợ giá trong trường hợp cần thiết.

 

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 26/9 tín dụng tăng 10,83% so với cuối năm trước; ổn định tỷ giá phù hợp với dư địa điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giảm áp lực tăng giá đầu vào nhập khẩu và áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư ngoài nhà nước ước tăng 10%, vốn FDI thực hiện tăng 16,2% cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%; tháng 9 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

 

 

 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc: Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sản lượng thủy sản đánh bắt đã bắt đầu phục hồi trở lại , bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

 

Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt. Giá trị tăng thêm công nghiệp trong quý III ước tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả năm 2019 là năm trước dịch (tăng 9,38%); tính chung 9 tháng ước tăng 9,63% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,05%). Thương mại, dịch vụ đang phục hồi nhanh, nhất là sức cầu trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng ước tăng 21%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%. Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 9 tháng đạt gần 1,9 triệu lượt, gấp 16,4 lần cùng kỳ năm 2021.

 

Tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, 74,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tích cực trong quý III; 82,6% doanh nghiệp nhận định lạc quan về tình hình quý IV; tồn kho giảm , tình hình đơn hàng của doanh nghiệp tiếp tục tích cực trong quý III và dự kiến trong cả quý IV.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang