Ổn định nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Năm 2021 được đánh giá là một trong những năm thành công cho công tác điều hành giá khi phải chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh song Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm chỉ tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Mặc dù CPI năm 2021 đã được kiểm soát theo chỉ tiêu, song mức tăng thấp này cũng sẽ gây khó khăn cho công tác điều hành giá của năm 2022.
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch kiểm soát chặt chẽ chỉ số CPI. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo nguồn cung để ổn định giá cả trong dịp Tết.
Theo Bộ Công Thương, tháng 01/2022 là thời điểm sát Tết Nguyên đán nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng và đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2022 ước tính đạt 470,68 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01 ước tính đạt 383,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 81,5% tổng mức, tăng 7% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn hàng dồi dào, cộng với công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được các địa phương chú trọng, đẩy mạnh nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình giá cả thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, kế hoạch bán hàng phục vụ Tết, tình hình nguồn cung, dịch bệnh... để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Một số địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân mua hàng hóa, nhu yếu phẩm thông qua các hình thức trực tuyến, giao hàng tận nơi, hạn chế đến nơi đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Do đó, thị trường hàng hóa Tết nhìn chung bình ổn, nguồn hàng dồi dào, giá cả không tăng đột biến.
Theo thông lệ, thị trường hàng hóa tháng Tết tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tăng giá gây bất ổn thị trường. Việc ổn định thị trường và giá cả hàng hóa trong dịp Tết đã giúp Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 năm 2022 tăng 0,19% so với tháng trước đó, trong đó, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giữ giá ổn định.
Kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu
Những ngày qua, thị trường xăng dầu phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an. Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới cũng liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Với yêu cầu bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong mọi tình huống, ngay sau khi cuộc họp khẩn với đại diện các bộ, ngành địa phương chiều ngày 9/2/2022 kết thúc, tối cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định số 150/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.
Trong buổi chiều ngày 10/2, Đoàn bất ngờ kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trong số 4 trụ cây xăng ở đây có 2 cây xăng RON95 hết hàng nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5 RON92 trong bể chứa nhưng vẫn treo biển không bán. Chủ cây xăng lý giải là do đơn vị đầu mối mới cung cấp hàng nên chưa kịp mở bán.
Những ngày tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện thanh kiểm tra tại nhiều địa phương.
Trước tình trạng một số mặt hàng có xu hướng tăng giá từ đầu năm, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu, ngày 10/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ban hành Văn bản số 882/VPCP-KTTH yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan triển khai rà soát, sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, trọng tâm là xây dựng Luật Giá (sửa đổi), tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Phó Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, giá cả các mặt hàng chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phối hợp Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, ổn định của thị trường, cung cầu xăng dầu trong nước; nghiên cứu, xây dựng phương án giá điện năm 2022 trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào (nhất là than, khí cho sản xuất điện), kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện quốc gia,...
Trước đó, Bộ Tài chính cũng có công văn số 1076/BTC-QLG gửi các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và tập đoàn, tổng công ty về tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc quản lý giá. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và tập đoàn, tổng công ty cần theo sát diễn biến cung cầu để có phương án điều hành, kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm.
Nnhận định về giá các mặt hàng xăng dầu và LPG, Cục Quản lý giá cho biết đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Trong kỳ điều hành ngày 11/2/2022, giá xăng dầu dự báo sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Để có các các biện pháp bình ổn giá, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành và địa phương phải cùng vào cuộc. Cụ thể, trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau tết, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm.
Theo báo Công Thương