Đặc biệt, tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, phần lớn dây dẫn sau công tơ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Các yếu tố gây mất an toàn được nhận diện thường là: Cách điện bị suy giảm, tiết diện dây không phù hợp, nối nhiều chủng lại dây dẫn khác nhau từ cột điện vào nhà, mối nối không đúng kỹ thuật. Thêm vào đó, hệ thống cột đỡ dây tạm bợ, chủ yếu dựa vào cây cối trong vườn, cây rừng hoặc hệ thống cột tre, cột gỗ không đủ độ cao, khó đứng vững trong điều kiện thời tiết xấu. Vì vậy, ngoài việc rò rỉ điện, gây tổn thất điện năng thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người và vật nuôi trong mùa mưa bão. Mặt khác, theo năm tháng, dây dẫn sau công tơ phải gánh thêm rất nhiều thiết bị điện trong gia đình nhưng lại có ít ai nghĩ đến việc cần phải nâng cấp, cải tạo để chống quá tải cho đoạn đường dây nhỏ bé nhưng đặc biệt quan trọng này.
Do vậy, để đảm bảo an toàn điện cho người dân thì ngoài những nỗ lực của ngành Điện, đòi hỏi phải có sự chung tay và vào cuộc của người dân. Đặc biệt, để nỗi lo mất an toàn điện sau công tơ không còn hiện hữu, PC Bắc Kạn khuyến cáo khách hàng: Định kỳ phải kiểm tra hệ thống dây dẫn này ít nhất mỗi năm một lần trước mùa mưa bão, để qua đó kịp thời thay thế các dây đã quá cũ nát, cách điện bị bong tróc… không bảo đảm chất lượng bằng các dây dẫn có tiết diện phù hợp với phụ tải trong nhà. Mặt khác, khách hàng tuyệt đối không nên mắc dây dẫn vào thân cây, nhất là các trường hợp quấn dây dẫn vòng quanh thân cây, lâu ngày bị cây thít chặt làm hư hỏng lớp cách điện, dẫn tới rò rỉ điện, gây tổn thất điện năng và nguy hiểm cho con người và vật nuôi.
Hình ảnh đường dây sau công tơ của khách hàng sử dụng điện tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thất điện năng và gây mất an toàn điện
Cùng với đó, khách hàng cũng nên dùng hệ thống cột đỡ dây chắc chắn, chống được mối mọt, có độ cao thích hợp để không gây ảnh hưởng cho hoạt động sản xuất và giao thông qua lại; Dây dẫn phải được định vị vào cột đỡ qua sứ cách điện hạ thế, không nên bó các dây dẫn của nhiều gia đình lại với nhau để tránh sự cố của nhà này làm ảnh hưởng tới nhà khác. Hàng năm, người dân cần phải tiến hành chặt tỉa các cành cây có nguy cơ đổ vào đường dây để tránh các hiện tượng làm đứt dây, đổ cột, gây tai nạn điện. Các thiết bị có công suất lớn trong gia đình như: Nồi cơm điện, ấm điện, bàn là điện… nên cắm vào chỗ cố định theo thiết kế ban đầu để tránh hiện tượng quá tải gây chạm chập, cháy nổ.
Đăc biệt, khi người dân tiến hành công tác kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế hệ thống dây dẫn sau công tơ nên có sự giám sát và hướng dẫn của những người có kiến thức về an toàn điện nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, cũng như đảm bảo kỹ thuật điện trong quá trình làm việc. Vậy khi có nhu cầu cải tạo, bảo dững đường dây sau công tơ, người dân có thể liên hệ với đơn vị quản lý vận hành lưới điện tại địa phương để được hướng dẫn, tư vấn về an toàn điện.
Có thể khẳng định, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả là niềm vui của mọi người, mọi nhà. Vì vậy, để giữ cho niềm vui này được trọn vẹn, khách hàng sử dụng điện hãy quan tâm đến công tác kiểm tra, củng cố hệ thống dây dẫn từ sau công tơ vào đến trong nhà.
Đức Tụng – PC Bắc Kạn