Đáng chú ý là, từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, gây khó khăn cho phát triển kinh tế của Thành phố, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn vẫn đạt gần 191.000 tỷ đồng, tăng 11,22% và đứng thứ hai cả nước chỉ sau tỉnh Bắc Giang. Với đà tăng trưởng GRDP bình quân của giai đoạn 2016 – 2020 là 14,02%, gấp 2,1 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước nên Hải Phòng lần thứ 3 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước có chất lượng điều hành kinh tế tốt. Đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển của Thành phố, không thể không nhắc tới Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (PC Hải Phòng), doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, luôn cung cấp đủ điện phục vụ các sự kiện chính trị, phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân. Chỉ tính trong 5 năm lại đây, tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn Công ty đã tăng từ 4,18 tỷ kWh (năm 2016) lên hơn 6,4 tỷ kWh (năm 2020); Tổn thất điện năng trong giai đoạn này đã giảm từ 4,25% xuống còn 2,91%; Giá bán điện bình quân tăng từ 1.607,13 đồng/kWh lên 1.751,89 đồng/kWh; Chỉ số tiếp cận điện năng giảm từ 8,7 ngày xuống còn dưới 05 ngày làm việc; Tỷ lệ thu tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian tăng từ 32,46% lên trên 80%...
Nhờ có chính sách ưu đãi và đặc biệt là cung cấp đủ điện mà nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đầu tư trên địa bàn, điển hình là các Tập đoàn: LG, Vingroup, Sun Group, Him Lam, Geleximco, Flamingo… Việc các khu công nghiệp phát triển mạnh đã khiến cho nhu cầu sử dụng điện của khách hàng trên địa bàn tăng cao và tăng mạnh, nếu ngành Điện không có các giải pháp tốt để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, tránh xảy ra sự cố sẽ gây trở ngại lớn và thiệt hại khó lường cho các đơn vị sản xuất kinh doanh đã và đang chọn Hải Phòng là “bến đỗ” để đầu tư kinh doanh.
Thế nhưng, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Thành phố, đã có hàng chục vụ sự cố xảy ra rải rác ở nhiều quận, huyện: Thủy Nguyên, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, mà nguyên nhân chính là do thi công công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, thi công các tuyến cáp ngầm, đặc biệt là một số ít người dân, thanh thiếu niên thiếu ý thức, hoặc quá ham vui thả diều vướng vào đường dây tải điện, gây sự cố nghiêm trọng cho các tuyến đường dây trung áp và hạ áp. Trong đó, huyện Vĩnh Bảo và An Lão là hai địa phương để xảy ra nhiều nhất các vụ thả diều gây sự cố mất điện. Điển hình, ngày 23/3, ông Hoàng Văn Tuyên (xã Thái Sơn, huyện An Lão) thả diều mắc vào đường dây trung thế lộ 475 E2.31 phải phân đoạn máy cắt để khắc phục hậu quả; Cùng ngày, ông Trịnh Văn Trường (xã Mỹ Đức, huyện An Lão) thả diều mắc vào đường dây trung thế, lộ khoảng cột 03-04 đi TBA Minh Khai 2, phải cắt điện đường dây 22 kV trên diện rộng để tháo gỡ diều, ngăn ngừa sự cố; Ngày 6/4, anh Nguyễn Chí Thành và anh Vũ Đức Hiệp (xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo) thả diều gây sự cố lưới điện khoảng cột 03-04, làm mất điện lộ 371E2.10, nhánh Tân Hưng; Ngày 15/4, anh Nguyễn Ngọc Bách xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo thả diều vướng vào lưới điện, nguy cơ gây mất điện lộ 978 E2.10…
Trước tình hình trên, ngoài việc chỉ đạo các Điện lực phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng các huyện, xã trong việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, ngày 12/4, Công ty Điện lực Tp. Hải Phòng đã có Công văn số 1108/PCHP-AT gửi UBND Thành phố và đến ngày 04/5/2021, lại có tiếp Công văn số 1323/PCHP-AT gửi đích danh ông Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đề nghị Chính quyền Thành phố chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng thả diều; kiểm tra, nhắc nhở những hộ dân, chủ các công trình ở gần hành lang lưới điện cao áp phải có các biện pháp chằng buộc cẩn thận đối với hệ thống mái tôn, bạt che, vật liệu xây dựng, tránh bị gió lốc cuốn bay vào lưới điện, gây sự cố mất điện. Công ty cũng đề nghị các lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc, kịp thời điều tra, xử lý các hành vi thả diều, bắn pháo có dây kim tuyến, vật bay, hoặc thi công công trình vi phạm khoảng cách an toàn, đào vào cáp ngầm theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực…
Nhằm giúp cho Công ty Điện lực Hải Phòng hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ cung ứng 6,66 tỷ kWh điện (năm 2021) và tăng lên 9,76 tỷ kWh năm 2025, phục vụ thỏa mãn nhu cầu điện cho phát triển KT-XH và đời sống sinh hoạt của nhân dân, đồng thời tránh xảy ra sự cố lưới điện, ngành Điện rất mong nhận được sự đồng thuận từ tất cả hệ thống chính trị các cấp, các cơ quan chức năng và người dân địa phương, để lưới điện luôn được vận hành an toàn, liên tục, là động lực cho Thành phố Cảng bay cao, vươn xa.
Hữu Trường