Năm 2022, PC Hòa Bình được giao thực hiện 12 danh mục công trình đầu tư xây dựng mới với tổng số vốn 131,209 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Công ty đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể, thời gian tiến hành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) theo trình tự bị kéo dài. Trong đó, nhiều vướng mắc khách quan phát sinh không nằm trong thẩm quyền giải quyết của PC Hòa Bình và các Hội đồng GPMB. Đặc biệt, phần chi phí cho công tác tổ chức GPMB với những công trình điện theo hình tuyến có giá trị bồi thường nhỏ, diện tích đất sử dụng ít giá trị nên tỷ lệ phần trăm trích lại dành cho công tác tổ chức GPMB theo quy định quá nhỏ, không đủ để các Hội đồng GPMB thực hiện. Ngoài ra, hiện trạng sử dụng đất thực tế của một số hộ dân không trùng khớp với hồ sơ theo dõi của các cơ quan chức năng. Điều này đã dẫn đến việc trích đo địa chính, xác định chủ sử dụng mất nhiều thời gian và cần phải có các giải pháp tháo gỡ rất phức tạp… Mặt khác, giá vật liệu xây dựng, nhân công, sắt thép tăng cao cũng đã khiến cho công tác lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng xây dựng liên quan gặp phải nhiều khó khăn.
Trước những thách thức đó, để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ kế hoạch được giao, trong đó có công tác đầu tư xây dựng, PC Hòa Bình đã huy động tối đa mọi nguồn lực, đồng thời áp dụng 100% các gói thầu được đấu thầu và chào hàng cạnh tranh qua mạng. Điều này đã đảm bảo tính tính cạnh tranh, minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa các nhà thầu. Qua đó, đã lựa chọn được những nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng và hiệu qủa thực hiện dự án. Cùng với đó, Công ty cũng đã và đang quản lý chặt chẽ, đẩy nanh tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, báo cáo thiết kế kỹ thuật; Nâng cao chất lượng công tác lập dự toán nhằm tránh trường hợp một số gói thầu phải tổ chức lập lại dự toán hoặc đấu thầu lại nhiều lần mới lựa chọn được nhà thầu.
Ngoài ra, PC Hòa Bình còn tiến hành giám sát chất lượng công trình bằng hình ảnh cập nhật trên phần mềm Imis 2.0; Tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, hợp đồng mẫu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cũng như giảm thiểu thời gian tác nghiệp trong quá trình kiểm tra, thẩm định dự án; Kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án. Mặt khác, Công ty cũng xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác lập tổng tiến độ, giải phóng mặt bằng, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu dự án. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, điều hành các đơn vị, cùng nhà thầu liên quan triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra.
Điều hành dự án và nhà thầu trao đổi đưa ra phương án đẩy nhanh tiến độ dự án nâng công suất MBA T1 trạm 110 kV Hoà Bình
Đặc biệt, PC Hòa Bình còn chủ động trong công tác bám sát các Sở, ban ngành và chính quyền các địa phương nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ; Lãnh đạo Công ty cùng các phòng chuyên môn cũng thường xuyên có mặt trên công trường để chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết những vưỡng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Qua đó, đã kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, tổ chức nghiệm thu, đóng điện… để đưa các công trình vào vận hành theo đúng tiến độ đã đề ra.
Trên tinh thần làm việc “Tuân thủ - Tận Tâm – Trách nhiệm”, PC Hòa Bình đã cơ bản vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2022, PC Hòa Bình đã thực hiện tổng số 12 công trình với mức đầu tư là 131,209 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 01 công trình lưới điện 110kV (nâng công suất máy biến áp T1 TBA 110kV Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) từ 40MVA lên thành 63 MVA dự kiến sẽ đóng điện trong tháng 8 năm 2022; 10 công trình lưới điện trung hạ áp và 01 công trình thuộc lĩnh vực đầu tư khác.
Ông Lương Văn Phương - Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: Để tăng cường công tác tổ chức thực hiện, quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, PC Hòa Bình đã giao các Điện lực trực tiếp giám sát thi công và cập nhật hình ảnh thi công của dự án lên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS. Đến nay, các công trình đầu tư xây dựng do Công ty làm chủ đầu tư đã và đang cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra. Theo đó, trong sáu tháng đầu năm 2022 này, công tác cải tạo, chống quá tải, giảm bán kính cấp điện do PC Hòa Bình thực hiện đã đạt quy mô: Xây dựng mới 11,553 km đường dây trung áp, 14,563 km đường dây hạ áp; Nâng công suất 54 trạm biến áp với tổng công suất tăng thêm là 63.000kVA,; Đóng điện đúng tiến độ các dự án, cũng như thực hiện triển khai san tải chuyển lưới kịp thời.
Hướng tới nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2022, để các dự án đầu tư xây dựng về đích theo đúng tiến độ đã đề ra, PC Hòa Bình sẽ tiếp tục tập chung chỉ đạo, đôn đốc triển khai thi công tại hiện trường. Đồng thời, khẩn trương và kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công 11 dự án còn lại để hoàn tất công tác giải ngân, cũng như quyết toán 100% theo kế hoạch Tổng công ty giao; Thực hiện nhanh và có hiệu quả công tác đền bù GPMB; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng công trình; Chú trong công tác đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệm vụ cho đội ngũ điều hành giám sát dự án; Theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, cũng như đối chiếu chất lượng, tiến độ thực hiện của các nhà thầu sao cho đảm bảo theo điều khoản của Hợp đồng đã ký kết; Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; Quản lý tốt việc cập nhật hồ sơ trong phần mền quản lý đầu tư IMIS2.0 nhằm quản lý chất lượng và tiến độ công trình theo chỉ đạo của EVNNPC.
Trần Thị Thúy Nga - PC Hòa Bình