Qua tìm hiểu được biết, Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng núi, trung du Bắc Bộ nước ta, vì vậy, việc đưa điện đến các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Với sự nỗ lực vượt khó của tập thể CBCNV toàn Công ty, đến hết tháng 9/2019, PC Phú Thọ đã hoàn thành cấp điện cho 358.854 khách hàng sinh hoạt (chiếm 91,2%) và 34.552 khách hàng ngoài sinh hoạt (chiếm 8,8%). Trong đó, số lượng khách hàng sử dụng điện tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gấp 04 lần khách hàng khu vực thành phố, thị xã, thị trấn. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch triển khai chương trình “Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt” đến các hộ dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Nhằm từng bước chuyên nghiệp hóa công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng, trong đó vấn đề thu tiền điện cần được cải tiến theo hướng đổi mới, tiện lợi, từ nhiều năm qua, PC Phú Thọ đã triển khai phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện các giải pháp thu tiền điện. Để khách hàng nộp tiền điện thuận lợi, Công ty đã triển khai nhiều hình thức như: Thanh toán trích nợ tự động tài khoản; Thanh toán qua internet banking/mobile banking/ví điện tử của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán; Thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng (tiền mặt hoặc chuyển khoản); Thanh toán tiền mặt tại các điểm thu tiện dụng như siêu thị, cửa hàng của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán. Tuy nhiên, để thống nhất hình thức duy nhất là thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt một cách đồng bộ trên địa bàn tỉnh trung du, miền núi là một trở ngại không nhỏ do tính chất đặc thù của địa phương, đa số là khách hàng khu vực nông thôn nên người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt, ngại tiếp xúc công nghệ, hình thức thu nộp tiền mới. Hơn nữa, công tác tuyên truyền phổ biến dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt còn hạn chế, chưa thực sự sâu rộng; sự phối hợp giữa ngành Điện với các ngân hàng chưa chặt chẽ, đồng bộ cũng là rào cản lớn khiến hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương chưa phát triển như kỳ vọng.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, hiện nay, PC Phú Thọ là một trong những doanh nghiệp đi đầu trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai hợp tác với 06 cơ quan gồm các Ngân hàng: Công thương; Ngoại thương; Đầu tư; Kỹ thương; Quân đội; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và 7 đơn vị trung gian: Viettel Phú Thọ; Công ty Cổ phần trực tuyến Cộng đồng Việt (Payoo); Bưu điện tỉnh Phú Thọ (VNPost); Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY): Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas); Công ty Cổ phần công nghệ Vi mô (VIMO); Công ty Cổ phần ZION trong việc cung cấp dịch vụ thu tiền điện và kết quả được đánh giá là rất khả quan. Vì vậy, chỉ tính đến cuối tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 32.998/393.406 khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt (đạt 8,4%), trong đó số lượng thanh toán trực tiếp qua ngân hàng đạt 20.285/393.406 khách hàng (đạt 5,15%).
Lợi ích của chương trình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Bà Ngô Thị An (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Ngày trước, hàng tháng có nhân viên đi thu tiền điện, nhưng tôi đi làm cả ngày, nhiều hôm về rất muộn thì nhân viên không gặp được để thu. Khi chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt, tôi cảm thấy tiện lợi hơn rất nhiều. Thay vì phải mất thời gian của cả người thu lẫn người nộp, chỉ cần ngồi nhà, thông qua ứng dụng trên điện thoại di động là tôi đã có thể thanh toán tiền điện cho ngành Điện”.
Với việc đa dạng hóa hình thức thanh toán và hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt, năm 2019, PC Phú Thọ phấn đấu đạt 90% khách hàng trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn và 30% khách hàng khu vực nông thôn tham gia thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Ông Đặng Văn Khánh – Phó Giám đốc PC Phú Thọ cho biết: “Để hoàn thành chỉ tiêu được Tổng Công ty giao, thời gian tới, Công ty sẽ kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Công Thương chỉ đạo các cơ quan ban ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, đặc biệt là CBCNV đang hưởng lương ngân sách nhà nước; Tổ chức các cuộc họp, phối hợp với các ngân hàng và đơn vị thanh toán trung gian để đưa ra các giải pháp tăng số lượng khách hàng. Cùng với đó, công tác truyền thông đến từng nhóm khách hàng sẽ được triển khai quyết liệt bằng các hình thức: In ấn, phát tờ rơi; treo bandroll, poster tại các điểm giao dịch; nhắn tin truyền thông quảng bá dịch vụ qua Zalo đến các khách hàng sử dụng điện”…
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại đang dần trở thành xu thế tất yếu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm, triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện. Có thể thấy rằng, hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trong ngành Điện nói chung và PC Phú Thọ nói riêng đã và đang góp phần đẩy mạnh dịch vụ công cấp độ 4, mang lại tiện ích cho khách hàng và giúp ngành Điện tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng...
Ngọc Bích