Thứ Sáu, 22/11/2024 05:23:36 GMT+7
Lượt xem: 666

Tin đăng lúc 27-11-2022

PC Quảng Ninh: Thích ứng an toàn, linh hoạt để chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả nhất

Là một trong những đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền bắc đang có bước đi mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số, thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã chủ động triển khai thực hiện chương trình số hóa toàn diện mọi mặt hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, tài chính, kỹ thuật, đầu tư xây dựng, công nghệ thông tin... dựa trên nền tảng 03 trụ cột gồm: Quy trình – Con người – Công nghệ.
PC Quảng Ninh: Thích ứng an toàn, linh hoạt để chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả nhất
19/19 TBA 110 kV đã được kết nối và điều khiển tại Trung tâm Điều khiển xa PC Quảng Ninh

Hiện nay, PC Quảng Ninh đang quản lý, vận hành 19 trạm biến áp và 850 km đường dây 110 kV; 3.233 km đường dây 6-35 kV; 02 trạm 35/6 kV; 2.807 trạm 35 (22,6)/0,4 kV.  Nhờ hệ thống lưới điện được đầu tư đồng bộ, hiện đại nên Công ty đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục với tổng sản lượng điện trung bình đạt trên 05 tỷ mỗi năm để phục vụ phát triển KT-XH địa phương, cũng như nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Giờ đây, lưới điện 110 kV trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mạch vòng liên kết. Điều này giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn cho các phụ tải quan trọng của tỉnh.

 

Với mục tiêu “lấy khách hàng là trung tâm”, PC Quảng Ninh đặt nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là đảm bảo cung cấp điện năng an toàn với chất lượng cao nhất để phục vụ cho mọi khách hàng. Do đó, bên cạnh việc không ngừng đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, Công ty còn tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, kinh doanh và chăm sóc khách hàng, từ đó mang đến cho khách hàng nhiều dịch vụ tiện ích nhất.

 

Theo đó, từ năm 2021 tới nay, PC Quảng Ninh đã thực hiện chuyển đổi số đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đồng thời số hóa hợp đồng mua bán điện với tỷ lệ đạt 100%. Ngoài ra, Công ty cũng đã hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin khách hàng trên hệ thống phần mềm quản lý khách hàng CMIS.

 

Mặt khác, với nỗ lực đa dạng hóa các giải pháp thanh toán tiền điện và thanh toán tiền dịch vụ khác sau hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) cho khách hàng sử dụng dịch vụ, PC Quảng Ninh cũng đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ điện, đáp ứng xu thế chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Qua đó, đã mang lại sự thuận tiện, đa dạng hóa kênh giao tiếp với khách hàng sử dụng điện.

 

Tính đến hết tháng 10/2022, số lượng khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt trên toàn tỉnh là 374.592 khách hàng, chiếm tỷ lệ 86 % trên tổng số khách hàng thanh toán; Số khách hàng trích nợ tự động là 97.704 khách hàng, bằng 22,41% trên tổng số khách hàng thanh toán; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử thực hiện 99,99%; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 thực hiện 100%; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ điện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia 88,14%”.

 

Riêng trong công tác hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng, tính đến 31/10/2022, tổng số công tơ trên lưới do PC Quảng Ninh quản lý đạt 452.158 công tơ. Trong đó, công tơ điện tử là 347.521 công tơ, chiếm 76,86% tổng số công tơ trên lưới; Số công tơ cơ khí còn lại là 104.637 công tơ, chiếm tỷ lệ 23,14 % tổng số công tơ trên lưới. Tất cả các công tơ sẽ được thay thế bằng công tơ điện tử có gắn modun kết nối với thiết bị đọc chỉ số tự động hoàn toàn (ARM) theo công nghệ RF-DCU hoặc PLC-DCU. Do đó, đến kỳ ghi chỉ số hàng tháng, sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng sẽ được cập nhật trực tiếp trên hệ thống máy chủ của ngành Điện. Điều này đảm bảo tính chính xác, giảm sai sót và tăng năng suất lao động. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tra cứu trực tiếp số sản lượng điện đã dùng trong tháng khi các dữ liệu trên được kết nối và cập nhật lên trang Website của Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

 

 

Công nhân Điện lực Tiên Yên hướng dẫn khách hàng sử dụng App chăm sóc khách hàng

 

Ông Đào Quang Vũ - Trưởng Trung tâm Điều khiển xa PC Quảng Ninh cho biết, với việc 19/19 TBA 110 kV được kết nối và điều khiển tại Trung tâm điều khiển xa đã giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu thời gian thao tác, xử lý sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho Công ty.

 

Đặc biệt, trước đặc thù địa hình của tỉnh Quảng Ninh vừa có hải đảo, biên giới, miền núi, vừa có đồng bằng như một Việt Nam thu nhỏ, do vậy, để tạo thuận lợi trong công tác quản lý vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, Ban lãnh đạo Công ty đã xác định ưu tiên cải tạo kết nối các máy cắt Recloser, LBS, RMU trên lưới điện trung áp tại các khu vực cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng, cũng như các khu vực khó khăn về giao thông, địa hình như: Hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa về Trung tâm Điều khiển xa trước.

 

“Đến nay đã có 270 máy cắt Recloser, LBS, RMU được kết nối và điều khiển tại Trung tâm Điều khiển xa. Còn lại 80 máy cắt tiếp theo, dự kiến Công ty sẽ hoàn thành công tác cải tạo, nâng cấp và kết nối với Trung tâm Điều khiển xa trong năm 2023”, ông Đào Quang Vũ cho biết thêm.

 

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và quản trị nội bộ, PC Quảng Ninh cũng đã hoàn thành 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng; 100% dữ liệu thực hiện của nhà thầu được đánh giá, chấm điểm và chia sẻ trong toàn EVN; 100% áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án; 100% các loại hợp đồng cũng như các hồ sơ trong quá trình đấu thầu đều được lưu trữ điện tử trên phần mềm quản lý đầu tư của Tập đoàn (IMIS); 100% cán bộ lãnh đạo được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng quản lý nội bộ. Cùng với đó, PC Quảng Ninh thực hiện ký số 100% văn bản nội bộ, văn bản đi và được áp dụng trong các ứng dụng quản lý nội bộ, giao dịch nội bộ trong toàn đơn vị…

 

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của EVNNPC theo định hướng chuyển đổi số lĩnh vực tài chính kế toán phải gắn liền với phương án ứng dụng CNTT, đồng thời tích hợp liên kết số liệu từ các phần mềm dùng chung của ngành Điện để phục vụ công tác quản trị. Giờ đây, quy trình tài chính - kế toán đã và đang được tích hợp tối đa với các phần mềm dùng chung như: HRMS, ERP, CMIS, IMIS,… nhằm tạo sự thống nhất trong toàn Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Qua đó, đảm bảo vận hành thông suốt, có tính hệ thống và được kiểm soát chặt chẽ, giúp người dùng nắm rõ được từng bước của quy trình, nâng cao quản trị doanh nghiệp.

 

 

Các điều độ viên Trung tâm Điều khiển xa Quảng Ninh  trao đổi về sơ đồ vận hành lưới điện

 

Không chỉ dừng lại ở đó, đến nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của PC Quảng Ninh đã và đang được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Theo đó, Công ty đang đầu tư thi công hạ tầng mạng cáp quang và thiết bị hoạt động động theo tiêu chí 1+1 online cho 19 trạm biến áp 110 kV; Đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và khai thác ứng dụng số hóa; Đầu tư lắp đặt các hệ thống giám sát sự cố đối với hệ thống mạng vận hành lưới điện OT và hệ thống mạng phục vụ sản xuất kinh doanh IT…

 

Năm 2022, thực hiện chủ đề của Tập đoàn Điện lực Việt Nam “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, công tác chuyển đổi số toàn diện các lĩnh của PC Quảng Ninh đã tạo ra lợi ích kinh tế và môi trường làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh, cũng như của EVN, EVNNPC trong việc trở thành địa phương số, doanh nghiệp số vào năm 2025.

 

Ngọc Lan 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang