Thứ Bẩy, 23/11/2024 21:47:08 GMT+7
Lượt xem: 3282

Tin đăng lúc 13-03-2016

Petrolimex đề nghị gỡ khó thủ tục

Petrolimex có công văn gửi Bộ Công Thương phản ánh những những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Petrolimex đề nghị gỡ khó thủ tục
Kho ngoại quan Vân Phong cần cơ chế, chính sách thông thoáng để tăng cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp. (Ảnh: Internet)

Quy định khó thực hiện

 

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải Quan đề nghị giải quyết khó khăn của Công ty Liên doanh kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (VPT) - công ty con của Petrolimex, khi thực hiện các Hiệp định Ưu đãi thuế quan Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Asean.

 

Vậy là, không lâu sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kêu khó cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất vì chênh lệch thuế sau khi thực hiện theo cam kết tại các hiệp định thương mại Việt nam đã ký như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, ASEAN đến lượt “ông lớn” Petrolimex lên tiếng về vướng mắc khi thực hiện Hiệp định này.

 

Petrolimex cho biết, hiện nay VPT đang gặp một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện các hiệp định ưu đãi về thế quan là Việt Nam - Hàn Quốc, và Việt Nam - ASEAN. Theo đó các hãng xăng dầu nước ngoài khi gửi hàng tại Kho ngoại quan Vân Phong gặp vướng mắc trong quá trình đề nghị cấp C/O.

 

Cụ thể, trong việc thực hiện FTA ASEAN - Việt Nam, theo Petrolimex quy định hiện nay tại Thông tư số 01/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương, khi ghi tên người xuất khẩu tại C/O Back to Back thì thương nhân nước ngoài phải hiện diện ở Việt Nam.

 

Nhưng thực tế, theo Petrolimex, không phải lúc nào người xuất khẩu cũng có mặt tại Việt Nam để thực hiện quy định này cho nên, Tập đoàn này đề xuất Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan chấp nhận cấp C/O với người xuất khẩu mà không cần phải hiện diện tại Việt Nam khi làm thủ tục.

 

Cũng theo Petrolimex, Hải quan tỉnh Khánh Hòa chưa chấp nhận khai tên nước xuất khẩu theo C/O gốc cấp ban đầu dù chưa có hướng dẫn cụ thể khi đưa hàng form D từ nước ngoài vào VPT sau đó đưa tiếp vào nội địa Việt Nam.

 

Để giải quyết vướng mắc này, Petrolimex đề xuất Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan thống nhất hướng dẫn ghi nước xuất khẩu ngay trên C/O gốc lần đầu.

 

Với FTA Việt Nam - Hàn Quốc cũng có vướng mắc với C/O KV nên khi thương nhân nước ngoài đưa hàng lô lớn vào kho và cấp ra từng lô nhỏ thì lại không được cấp C/O.

 

Theo đó, Petrolimex đề xuất cấp mới C/O form KV cho hàng sau pha chế trên cơ sở quy định của Hiệp định nếu đáp ứng tiêu chí trị giá, xuất xứ sau pha chế và Tổng cục Hải quan cho hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định.

 

Cần chính sách tạo động lực

 

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được lập trên lãnh thổ Việt Nam, ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hóa từ nước ngoài, hoặc từ trong nước đưa vào theo hợp đồng thuê kho ngoại quan giữa chủ kho và chủ hàng dưới sự kiểm tra, giám sát của hải quan.

 

Ngay trong khu vực Asean, có nhiều quốc gia xây dựng kho ngoại quan để tăng cường phát triển kinh tế. Để tăng sức cạnh tranh cho kho ngoại quan, một số quốc gia đưa ra những chính sách thông thoáng, đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tới hợp tác làm ăn. Bởi vậy, muốn cạnh tranh được với kho ngoại quan trong khu vực Asean, Việt Nam cũng cần thiết nghiên cứu, quy định cơ chế chính sách về kho ngoại quan sao cho phù hợp với khu vực, thế giới.

 

Về phía mình, Tập đoàn Petrolimex cũng đề nghị Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan xem xét hướng dẫn, tạo điều kiện để Công ty Kho ngoại quan Vân Phong duy trì hoạt động tiếp tục tạo lập được thị trường trung chuyển xăng dầu có uy tín của khu vực tại Vịnh Vân Phong, thu hút được khách hàng lớn, kinh doanh có hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

 

Trước đó, Petrolimex công bố kết quả kinh doanh năm 2015 với con số lãi “khủng” nhất từ trước tới nay. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của tập đoàn này là 3.766 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu là 1.989 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu cũng mang lại lợi nhuận cao, đạt 1.777 tỷ đồng. Giá dầu thô giảm mạnh là nguyên nhân giúp tập đoàn này lãi lớn.

 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, phát sinh những vướng mắc là điều không thể tránh khỏi nên rất cần thiết, các cơ quan chức năng sớm rà soát, sửa đổi những quy định sao cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, tăng cường sự cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp./.

 

Theo Quang Trung/Báo TNVN

(nguồn: vcci.com.vn)

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang