Tái tạo văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng vừa qua đã ban hành quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Tập đoàn. Trong đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, với việc tiếp tục khẳng định quan điểm “Tái tạo văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh”. Trong năm 2023, Petrovietnam hướng tới hoàn thành việc triển khai đồng bộ Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam; Hoàn chỉnh, nhất quán giữa mục tiêu chiến lược, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Petrovietnam; Chuẩn hóa và thống nhất văn hóa nền tảng Dầu khí, thương hiệu, hình ảnh, nhận diện… trong phạm vi toàn Tập đoàn; Thống nhất nhận thức vai trò của VHDN. Văn hóa thúc đẩy hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật; nâng cao vị thế và uy tín của Petrovietnam.
Quan điểm chỉ đạo trên đã được định hướng cụ thể tại buổi làm việc của Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng với Tổ triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam đầu Xuân Quý Mão vừa qua. Trong buổi làm việc, nhắc lại luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh “Người Dầu khí rất tự hào và trân trọng khi đeo biểu tượng Petrovietnam trên ngực mình. Những điều này đã chứng tỏ, tái tạo văn hóa Petrovietnam trong thời gian tới phải đi trước, phải dẫn đường và tạo đà cho tái tạo kinh doanh của Tập đoàn, văn hóa góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh”. Do đó, công tác triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam phải gắn liền với sản xuất kinh doanh và góp phần cùng Tập đoàn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Cùng với văn hóa, công tác quản trị là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, Petrovietnam xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ quản trị cả bên ngoài và bên trong. Trong quản trị bên ngoài: Tập trung vào việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế, cơ chế, tạo hành lang cho hoạt động Dầu khí; thúc đẩy phê duyệt, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc trong hoạt động của ngành. Trong quản trị bên trong: Hoàn chỉnh hệ thống quy định quản trị nội bộ đồng bộ với hệ thống pháp luật và thống nhất trong toàn Tập đoàn; Rà soát, điều chỉnh tối ưu về phân cấp, phân công, phối hợp và kiểm soát, triển khai Đề án Quản trị rủi ro trong toàn Tập đoàn; Tối ưu hóa mô hình quản trị đồng bộ với mô hình kinh doanh phù hợp với các xu hướng dịch chuyển năng lượng, chuyển đổi số; Nâng cao năng suất, hiệu suất, công suất và giá trị sản phẩm; đa dạng thị trường, mở rộng thị phần với mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả, với doanh thu toàn Tập đoàn là 950 – 1.000 nghìn tỷ đồng.
Hướng đến những tầm cao mới
Các mục tiêu sản xuất kinh doanh cụ thể. Về sản xuất, Petrovietnam phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023 tối thiểu bằng thực hiện năm 2022 đối với khai thác dầu thô trong nước; các chỉ tiêu sản xuất khác đạt mức tăng trưởng so với thực hiện năm 2022. Cụ thể, kế hoạch khai thác dầu khí năm 2023 là 18,95 triệu tấn quy dầu, bằng 100,2% so với thực hiện năm 2022 (chỉ tiêu khai thác dầu thô là 10,84 triệu tấn, bằng với năm 2022; khai thác khí là 8,11 tỷ m3, bằng 100,4% so với năm 2022).
Về kinh doanh và tài chính, Petrovietnam sẽ tập trung công tác dự báo, đánh giá dư địa, động lực tăng trưởng tại các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn (bao gồm: sản phẩm dầu thô, sản phẩm khí, các sản phẩm lọc hóa dầu, các sản phẩm hóa chất,…) xây dựng các phương án kinh doanh, mở rộng thị trường và tính toán phân bổ doanh thu tại các lĩnh vực; Song song với quản trị vốn/giá thành các sản phẩm; quản trị dòng tiền; quản trị các khoản công nợ tại các đơn vị góp phần vào gia tăng doanh thu lợi nhuận cho các đơn vị và Tập đoàn nói chung.
Trong công tác đầu tư, trong năm 2023, Petrovietnam sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao, dự án trọng điểm; không đầu tư dàn trải; Quyết liệt xử lý các vướng mắc, các dự án yếu kém, tồn đọng kéo dài. Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quản trị Danh mục đầu tư, tối ưu hóa nguồn lực; Chuẩn hóa mô hình quản lý dự án, thiết lập khung quản trị dự án như: Tiêu chuẩn quản lý dự án, quy trình xử lý trong quản lý dự án, ứng dụng các phương pháp, công cụ, kỹ thuật mới trong công tác quản lý dự án; tăng cường kiểm soát đường găng các dự án đầu tư, có giải pháp, xử lý kịp thời, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Công tác chuyển đổi số và ứng dụng các nền tảng số trong toàn Tập đoàn được định hướng tiếp tục triển khai đảm bảo đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, đảm bảo thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả. Trong năm 2023, Petrovietnam đặt mục tiêu đưa vào vận hành hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) – Giai đoạn 1, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ ERP giai đoạn tiếp theo tại Công ty mẹ Tập đoàn như: Triển khai giải pháp Quản trị Nguồn nhân lực và Quản lý công tác đào tạo; Dịch vụ chuyển đổi dữ liệu tài chính từ phần mềm Sun System vào hệ thống ERP; xây dựng và triển khai Cổng thông tin ERP (ERP Portal),…; Hoàn thành, cập nhật điều chỉnh và phê duyệt Lộ trình Chuyển đổi số năm 2022 – 2026.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, Petrovietnam sẽ tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, công ty dầu khí/năng lượng,… nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu và phát triển, đưa các ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới áp dụng trong ngành Dầu khí Việt Nam nhằm tạo ra đột phá phát triển, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn; Tập trung triển khai các định hướng nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng và phát triển công nghệ nhằm tối ưu những ứng dụng, phát triển công nghệ của Petrovietnam đạt hiệu quả cao và đóng góp thiết thực cho SXKD đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ.
Quản trị biến động, tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng
Trong bối cảnh năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều bất lợi như giá dầu giảm, nhu cầu thị trường thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu... Đặc biệt, tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU..., lãi suất, lạm phát tăng mạnh; cuộc chiến Nga - Ukraine chưa kết thúc... dẫn đến xu hướng thu hẹp sản xuất trên thế giới, xuất khẩu suy giảm, giảm nhu cầu tiêu thụ điện, khí..., để thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu đầy thách thức đặt ra cho năm 2023, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng chỉ đạo toàn Tập đoàn tiếp tục nâng cao công tác quản trị biến động, quản trị chuỗi giá trị dựa trên ứng dụng công nghệ số; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phát triển đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong dài hạn; khai thác các yếu tố dư địa tạo tăng trưởng mới thông qua công tác đa dạng hóa sản phẩm và phát triển, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng chia sẻ: Thực tế trong nhiều năm qua, quản trị biến động đã thấm sâu, trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam, không chỉ ở Công ty mẹ mà còn ở tất cả các đơn vị thành viên. Petrovietnam luôn chú trọng bám sát diễn biến của thị trường, cập nhật các chính sách, sự phát triển của khoa học công nghệ, của môi trường tự nhiên, chính trị xã hội..., từ đó nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp tương ứng. Từ đầu năm 2020, Petrovietnam đã ban hành Quyết định về “Bộ giải pháp ứng phó” cho 5 nhóm quản trị, thị trường, tài chính, đầu tư và cơ chế chính sách. Trước mỗi kỳ điều hành, lãnh đạo các đơn vị đều chủ động thực hiện các dự báo, xây dựng kịch bản và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp thực tế. Petrovietnam phân cấp đồng bộ, giao quyền cho người hiểu rõ nhất về công việc ra quyết định và chịu trách nhiệm, để có những quyết định nhanh chóng, chính xác và ứng biến kịp thời. Sự lãnh đạo, điều phối nguồn lực, hỗ trợ, cùng với kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro từ Petrovietnam đến các đơn vị thành viên phải nhất quán, có hệ thống, kết nối chuỗi giá trị, đảm bảo tính liên tục và hướng đích... Có thể nói, quản trị biến động là yếu tố rất quan trọng mà Petrovietnam đã, đang và sẽ luôn đặt lên hàng đầu, bởi bản chất của vạn vật là luôn vận động, thay đổi không ngừng để phát triển.
Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục củng cố chuỗi liên kết giá trị đã hoạt động có hiệu quả và thiết lập chuỗi liên kết mới để đi vào vận hành đảm bảo gia tăng giá trị thương hiệu; Xác định mục tiêu và nhiệm vụ để phấn đấu thực hiện với mức tăng trưởng trên 6,5% (tương đương tăng trưởng GDP của đất nước) phù hợp với tình lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn; Triển khai có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong toàn Tập đoàn; không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung các sản phẩm dầu khí góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn thị trường; Chủ động triển khai thực hiện các giải pháp xử lý, xúc tiến, đẩy mạnh công tác thị trường, làm việc các đối tác, khách hàng để xây dựng phương án kinh doanh/tái cấu trúc tạo công việc trong trung và dài hạn hướng đến hoạt động SXKD có hiệu quả; Mở rộng đầu tư nước ngoài từ các công ty dầu khí quốc tế để phát triển các hoạt động dầu khí; hội nhập quốc tế, thu hút, tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh; tận dụng tối đa các điều kiện thông qua các hoạt động ngoại giao dầu khí để ngày càng nâng cao vị thế, uy tín của Petrovietnam.
Đặc biệt, Tập đoàn tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các dự án trọng điểm, dự án lớn tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên, trong đó chú trọng triển khai các giải pháp đột phá; quyết tâm, nỗ lực tại các dự án khó khăn như: dự án điện Thái Bình 2, dự án điện Long Phú 1…; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của Tập đoàn như: Chuỗi dự án Lô B; Dự án Nhơn Trạch 3, 4; Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất,…. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ bám sát các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền để xử lý dứt điểm các khó khăn, tồn tại, vướng mắc đối với các Dự án, đơn vị yếu kém.
Các giải pháp quan trọng, thường xuyên khác như: Chú trọng nguồn lực con người/chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ dài hạn nhằm xác định sản phẩm thay thế/gối đầu cho sản phẩm truyền thống nâng cao hiệu suất/giá trị của sản phẩm; đổi mới sáng tạo; an toàn sức khỏe môi trường, nâng cao năng suất lao động; Tập trung triển khai công tác chuyển đổi số, nền tảng số trong toàn Tập đoàn phù hợp với công tác quản trị theo hướng tích hợp; đồng bộ từ Công ty mẹ - Tập đoàn tới các đơn vị thành viên; cập nhật lộ trình chuyển đổi số 2022 – 2026 góp phần thực hiện thành công phương châm “Tăng tốc chuyển đổi số” trong toàn Tập đoàn.
Ngoài ra, trong năm 2023, Petrovietnam sẽ tập trung: Hoàn thiện quy chế, quy trình quản trị nội bộ trong Tập đoàn; triển khai Luật Dầu khí 2022 và các quy định hướng dẫn; phối hợp các Bộ/ngành để hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành và hoàn thành sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; Xây dựng Chiến lược phát triển tại đơn vị thành viên đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển của Tập đoàn; Hoàn thiện công tác tái cấu trúc tại đơn vị phù hợp với Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn đến năm 2025; đồng bộ với thực hiện chuyển đổi số đảm bảo thích ứng với quản trị hiện đại.
Với phương châm điều hành trong năm 2023 là: “Quản trị biến động, Mở rộng quy mô, Tăng tốc chuyển đổi số, Dịch chuyển mô hình, Nâng cao năng suất, Tái tạo kinh doanh”, những kế hoạch, mục tiêu, giải pháp lãnh đạo Petrovietnam đề ra không chỉ nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm, mà còn hướng đến xây dựng một Petrovietnam phát triển bền vững, chuyển dịch, thích ứng linh hoạt trong thế giới đầy biến động để vươn tới những tầm cao mới.
Theo PVN