Thứ Sáu, 22/11/2024 11:56:40 GMT+7
Lượt xem: 5640

Tin đăng lúc 03-10-2015

Phấn đấu xây dựng Thành phố Quy Nhơn phát triển theo hướng bền vững

Đến thời điểm này, thành phố Quy Nhơn vừa tròn 5 năm là Đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Định, một địa phương dẫn đầu toàn diện trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, qua đó vươn lên tầm một trong 12 đô thị cấp vùng của cả nước và là một trong 3 Trung tâm thương mại, du lịch của vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Phấn đấu xây dựng Thành phố Quy Nhơn phát triển theo hướng bền vững
Thành phố Quy Nhơn

Phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoàng Nam – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Quy Nhơn về những thành tựu nổi bật giai đoạn 2010-2015 và bước phát triển vững chắc của thành phố biển Quy Nhơn trong tầm nhìn mới 2015-2020.

 

PV: Được biết thành phố Quy Nhơn là địa phương tiêu biểu của tỉnh Bình Định trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, là một điển hình tiên tiến toàn diện trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015, xin ông cho biết những ưu thế vượt trội về tiềm năng, đất nước, con người, văn hóa của thành phố Quy Nhơn để có thể vươn lên xứng tầm đô thị loại I và tạo động lực mới phát triển bền vững?

    

Ông Ngô Hoàng Nam: Thành phố Quy Nhơn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, với diện tích trên 285 km2, dân số trên 300.000 người; là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định; là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Thành phố hội đủ các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển thành một đô thị vùng với nhiều đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng: Quốc lộ 1A; Quốc lộ 1D từ thành phố chạy dọc bờ biển đến tỉnh Phú Yên; Quốc lộ 19 nối Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Thái Lan ra biển Đông; có đường sắt Bắc – Nam; sân bay Phù Cát cách 30 km; cảng Quy Nhơn – một trong 10 cảng biển lớn của cả nước có thể đón tàu trọng tải gần 50.000 tấn.

 

Thành phố Quy Nhơn còn hội đủ các vùng sinh thái: núi, sông, đầm, hồ, biển đảo, với nhiều ghềnh bãi, hang động. Những bãi cát dài ngập tràn ánh nắng, làn nước biển trong xanh, những danh lam thắng cảnh độc đáo như Ghềnh Ráng, Bãi Dài, Bãi Xép, Quy Hòa, Cù Lao Xanh, Đảo Yến, Hòn Khô, Vũng Chua, Phương Mai, Xương Lý, Hải Giang…. và nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh.

       

Những điều kiện về văn hóa, vị trí địa lý, hệ thống giao thông, điều kiện tự nhiên… là những ưu thế để thành phố Quy Nhơn có thể vươn lên xứng tầm đô thị loại I và tạo động lực mới phát triển bền vững.

 

 

Ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn

 

PV: Ông có thể khái quát những thành tựu nổi bật mà thành phố Quy Nhơn đã vượt khó để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn chung của cả nước và thế giới giai đoạn 2010 – 2015. Những giải pháp chiến lược nào đã tạo được sự tăng tốc thần kỳ đó?

 

Ông Ngô Hoàng Nam: Trong giai đoạn 2010 – 2015, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của tỉnh và Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 

Trong 5 năm qua, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân hàng năm tăng 11%; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2014 đạt 66 triệu đồng (3.052 USD), tăng gấp 2 lần so với năm 2010; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp và xây dựng (47,6%); dịch vụ (46,9%); nông - lâm - thủy sản  (5,5%). Thu ngân sách theo phân cấp quản lý năm 2014 đạt 1.166,8 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2010.

 

- Sự nghiệp văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%.

 

Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai và lập lại trật tự đô thị, chỉnh trang đô thị có những chuyển biến tích cực, đồ án quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 tạo điều kiện để phát triển bền vững trong thời gian tới; cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng; trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đã thực hiện hơn 28.240 tỷ đồng, chiếm gần 40% GDP, gấp 2,02 lần so với giai đoạn 2005 – 2010. Tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, không gian đô thị ngày càng mở rộng, diện mạo của thành phố ngày càng khang trang, sáng – xanh – sạch – đẹp.

 

Để đạt được kết quả đó, thành phố tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:

 

Thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành  của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận và các hội, đoàn thể trong công tác vận động quần chúng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính và quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế; chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế một cách hiệu quả với bảo vệ môi trường; vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và nhân dân đầu tư kinh doanh, mua bán, phát triển kinh tế và hoàn thành nghĩa vụ của người công dân; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 

Luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở ngành của tỉnh; phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để tập trung cho đầu tư phát triển phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 

Thường xuyên tổ chức, phát động có hiệu quả các phong trào thi đua; gắn thi đua với thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng ở từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị, phường, xã; chú trọng bồi dưỡng nhân tố mới, mô hình mới, khen thưởng động viên kịp thời các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm; qua đó động viên và phát huy phong trào thi đua mới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của thành phố.

 

PV: Trong quy hoạch thành phố Quy Nhơn giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2035, 2050, thành phố Quy Nhơn đã có chiến lược phát triển một cách bền vững. Những nhân tố quan trọng nào đảm bảo thắng lợi trong từng giai đoạn tăng tốc đó, thưa ông?

 

Ông Ngô Hoàng Nam: Thành phố Quy Nhơn luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ của các Bộ ngành Trung ương và các sở, ban ngành của tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Quy Nhơn lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ: Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường kỷ cương, nâng cao trách nhiệm các ngành, các cấp, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh và phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh  và trật tự an toàn xã hội; xây dựng và phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại. Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 20150; tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường… theo đồ án quy hoạch.

 

Bên cạnh định hướng phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cần tăng cường phối hợp các ngành của tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, tranh thủ sự lan tỏa của các dự án trọng điểm trên địa bàn để phát triển dịch vụ, du lịch. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều công trình, dự án đang được triển khai như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19, Quốc lộ 1D và các dự án du lịch như: Vinpearl Quy Nhơn (tại Hải Giang) xã Nhơn Hải; khu vui chơi, giải trí FLC tại xã Nhơn Lý; khu du lịch Kỳ Co, khu du lịch Hồ Phú Hòa, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Tổ hợp không gian khoa học …

 

Đó là các nhân tố quan trọng, là cơ sở để đảm bảo xây dựng phát triển thành phố Quy Nhơn một cách bền vững trong thời gian tới.

 

PV: Xin cám ơn ông!

                                                                    

      Văn Thuận 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang