Theo đó, việc phân bổ kinh phí sẽ được tập trung vào cấp tỉnh và cấp xã là đơn vị thụ hưởng và thực hiện các nhiệm vụ của chương trình.
Với các địa phương tự cân đối được ngân sách (như TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Quảng Ninh), nguồn vốn thực hiện chương trình chủ yếu bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ cho một số nhiệm vụ cụ thể có quy mô, tính chất quốc gia do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của địa phương và Bộ VH-TT-DL.
Đối với các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương từ 60% trở lên, ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu bằng 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ, tương đương với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương từ 40% đến dưới 60%, vốn đối ứng tối thiểu 20%. Địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương dưới 40% thì vốn đối ứng tối thiểu 30%.
Dự thảo cũng đưa ra 5 tiêu chí chính với các hệ số cụ thể để phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương. Đó là tiêu chí theo đối tượng xã (xã đặc biệt khó khăn có hệ số 6,0; xã/đặc khu còn lại (hệ số 4,0), phường (hệ số 2,0). Tiêu chí thứ 2 là đối tượng ưu tiên của địa phương (dựa trên tỷ lệ nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương): từ 60% trở lên (hệ số 150), miền núi/Tây Nguyên dưới 60% (hệ số 100), còn lại dưới 60% (hệ số 60). Các tiêu chí còn lại là quy mô dân số; diện tích và tiêu chí theo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (di tích quốc gia đặc biệt: hệ số 5,0; di tích cấp quốc gia: hệ số 2,0).
Theo vietnamnet.vn