Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet. Kinh doanh online đã và đang là một xu hướng quan trọng đối với xã hội, mang đến thành công và lợi nhuận cho nhiều cửa hàng doanh nghiệp. Do đó việc sở hữu một website bán hàng là điều vô cùng cần thiết để các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nâng cao uy tín thương hiệu và mở rộng thị trường. Tuy nhiên một thực tế cho thấy qua công tác thanh tra, kiểm tra lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh đã đồng loạt phát hiện nhiều trang wedsite bán hàng vi phạm.
Điển hình, mới đây Đội QLTT số 9 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã kiểm tra 02 tổ chức kinh doanh hàng hóa có thiết lập website thương mại điện tử bán hàng có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn thành phố Hà Giang.
Qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 9 phát hiện 02 tổ chức này đang sử dụng website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến để bán hàng mà không thông báo với Bộ Công Thương. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Đội trưởng Đội QLTT số 9 ban hành 02 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 công ty với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 60.000.000 đồng.
Tiếp đến, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang cho biết, đã kiểm tra, xử lý 10 trường hợp thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn, vi phạm điều kiện kinh doanh. Mặt hàng vi phạm gồm thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, phân bón, vàng trang sức, xe máy, xe mô tô hai bánh…
Còn tại Đà Nẵng, qua công tác quản lý địa bàn, theo dõi, nắm bắt tình hình, xây dựng phương án kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng từ ngày 03/4/2024 đến ngày 10/4/2024, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 04 tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.
Sau quá trình kiểm tra, các Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 phát hiện các đơn vị đã thực hiện các hành vi vi phạm: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng theo quy định và công bố không đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin hàng hóa theo quy định.
Thông tin về vấn đề trên, theo đại diện Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ, và nhận thức về việc phải làm thông báo, đăng ký website hoặc ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương.
Mặc dù từ lâu thủ tục này đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP, thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định yêu cầu tất cả các website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.
Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Nghị định này khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật.
Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau: Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa; Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ; Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định này.
Để có được sự công nhận này, doanh nghiệp phải trải qua các khâu kiểm duyệt thông tin. Từ đó, là bước đầu củng cố lòng tin của khách hàng, giúp khách hàng an tâm hơn khi ra quyết định mua hàng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Doanh nghiệp khi nhận được xác nhận của Bộ Công Thương là điều cần thiết giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu tên tuổi của mình trên thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nhận về những quyền lợi khi tuân thủ đúng quy định của pháp luật, việc thực hiện giao dịch trực tuyến được đảm bảo bởi pháp luật, tạo dựng được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Theo VietQ.vn