Thứ Ba, 14/01/2025 22:22:08 GMT+7
Lượt xem: 108

Tin đăng lúc 13-01-2025

Phát huy vai trò cấp cơ sở trong quản lý an toàn thực phẩm

Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của UBND xã, phường góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc đảm bảo ATTP không chỉ liên quan đến việc sản xuất và chế biến thực phẩm mà còn bao gồm việc giám sát, kiểm tra và tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND xã đóng vai trò chính trong việc thực hiện các quy định về ATTP, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến ATTP.
Phát huy vai trò cấp cơ sở trong quản lý an toàn thực phẩm
Một góc tuyến phố kiểm soát ATTP tại tuyến phố Thượng Đình, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân

Theo Điều 8, Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND, ngày 24/06/2022 của UBND thành phố Hà Nội, UBND cấp xã, phường thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân Thành phố về an toàn thực phẩm tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm; chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan đơn vị, bộ phận được phân công quản lý an toàn thực phẩm.

 

UBND cấp xã, phường chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bao gồm: cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (bao gồm cả các cơ sở trong chợ gồm cả chợ đầu mối và chợ đấu giá nông sản, trung tâm thương mại và các cơ sở độc lập trong siêu thị không thuộc quản lý của siêu thị); quản lý và tiếp nhận bản cam kết trách nhiệm về an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, căng tin tại nhóm trẻ độc lập, cơ sở giáo dục khác không thuộc đối tượng quản lý của cấp trên và cơ quan, tổ chức khác có quy mô dưới 50 suất ăn/lần phục vụ. Xác nhận bản cam kết an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý. Tiếp nhận bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công Thương không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 

 

Trên địa bàn các xã, phường thường có số lượng hộ kinh doanh thực phẩm, thức ăn nhỏ lẻ lớn. Thời gian qua, các cấp chính quyền cơ sở đã tích cực tuyên truyền kết hợp tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm bảo đảm ATTP (Ảnh phố Giáp Nhất, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

 

Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý có tiến hành hoạt động thương mại điện tử. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.Thanh kiểm tra, hậu kiểm, giám sát định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm nhanh, lấy mẫu thực phẩm, dụng cụ gửi tuyến trên xét nghiệm, đánh giá phân loại cơ sở, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm và tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn khi có dấu hiệu vi phạm hoặc khi có chỉ đạo của cấp trên, xử lý vi phạm, cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm cho cộng đồng. Phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo quy định…

 

Trong năm 2024, các xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động, phối hợp với quận, huyện, Thành phố, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát ATTP trên địa bàn quản lý.

 

Trong năm 2024, các xã, thị trấn của huyện Hoài Đức đã kiểm tra, giám sát được 225 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 29 cơ sở sản xuất, 160 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống và 36 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; đã xử phạt 20 cơ sở (10 cơ sở sản xuất; 4 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống; 6 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố) với số tiền là 32,5 triệu đồng.

 

Quận Thanh Xuân thành lập 08 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP (02 đoàn trong đợt cao điểm đảm bảo ATTP Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2024; 02 đoàn trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”; 02 đoàn trong dịp Tết Trung thu; 01 đoàn kiểm tra lĩnh vực y tế, 01 đoàn kiểm tra lĩnh vực nông nghiệp và công thương). Cấp phường thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP phường. Toàn quận tiến hành kiểm tra, giám sát 2.139 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (cấp phường: 2.080 cơ sở, cấp quận 59 cơ sở). Số cơ sở vi phạm và bị xử lý vi phạm: 213 cơ sở với tổng số tiền là 331.677.500 đồng (cấp quận xử phạt 14 trường hợp, số tiền 74.000.000 đồng; cấp phường xử phạt: 199 trường hợp, số tiền 257.677.500 đồng).

 

Qua kiểm tra, các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng lao động tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm theo quy định. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh theo quy định…

 

Mặc dù các xã, phường đã tích cực triển khai công tác đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, nhiều địa phương nhận thấy vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở còn khó khăn do nhân lực tại các xã, thị trấn được phân công theo dõi về an toàn thực phẩm chủ yếu là kiêm nghiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác. Trong khi đó, số lượng cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố lớn, nhưng đều nhỏ lẻ; công cụ, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra thiếu và lạc hậu, nên đa số đánh giá bằng cảm quan, khiến việc xác định và xử lý vi phạm không khả thi, chủ yếu là nhắc nhở.

 

Trao đổi với lãnh đạo phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội được biết: Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, thiết lập và phát huy hiệu quả  kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế của phường, quận, UBND phường Thượng Đình đã bám sát Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 15/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 10 -CT/TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy về “ Tăng cường  sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề ATTP tong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội” và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. Đẩy mạnh phong trào thi đua “An toàn thực phẩm”, Chương trình phối hợp vận động giám sát ATTP giữa UBND phường và UB MTTQ cấp quận, phường và tổ chức chính trị - xã hội; Tổ chức triển khai hoạt động đồng bộ trong việc quản lý, tuyên truyền bảo đảm ATTP, thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với các tiêu chí ATTP.

 

Cùng với đó, UBND phường Thượng Đình đã tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra, giám sát hậu kiểm về việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời xử lý các thông tin phản ánh mất ATTP thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông thường xuyên và định kỳ theo quy định, tập trung vào tuyến phố kiểm soát ATTP; tích cực phối hợp với quân Thanh Xuân trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào địa bàn phường.

 

 

Ông Nguyễn Quốc Trung - Chủ tịch Công ty cổ phần Phở sạch tại Chi nhánh Phở sạch, phố Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội

 

Ông Nguyễn Quốc Trung – Chủ tịch Công ty cổ phần Phở sạch cho biết: Trong suốt quá trình kinh doanh, chúng tôi luôn chú trọng bảo đảm ATTP, chủ động phối hợp với cơ quan, ban, ngành địa phương trong việc kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về ATTP. Trong quá trình kinh doanh, chúng tôi chú trọng bảo đảm ATTP ngay từ nguồn thực phẩm đầu vào. Chúng tôi lựa chọn những nhà cung cấp có đầy đủ giấy tờ, điều kiện ATTP được nhà nước cấp phép hoạt động. Phở là món ăn truyền thống của người Hà Thành nói riêng, người Việt nói chung. Phở là một món ăn không chỉ ngon mà còn có độ an toàn cao vì tất cả thành phần của nó đều tươi, mới, được đun chin, nấu sôi, không có gì sống cả. Chúng tôi phát triển chuỗi phở sạch trên địa bàn Hà Nội và cả nước nên khâu bảo đảm ATTP là tiên quyết. Việc bảo đảm ATTP không chỉ mang đến cho người tiêu dùng món ăn ngon, an toàn mà còn để bảo đảm định hướng phát triển chuỗi phở sạch lâu dài và bền vững.

 

Có thể thấy để bảo đảm ATTP cần phát huy vai trò của chính quyền cấp xã phường và ý thức chấp hành pháp luật ATTP của các chủ cơ sở kinh doanh. Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh góp phần thiết thực xây dựng cộng đồng tiêu dùng an toàn, phòng tránh hiệu quả nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ gốc.

 

MnK


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang