Được thiết kế để mô phỏng cảm giác tương tác với vật nuôi hoặc người khác, những thiết bị này tái tạo nhịp thở, tiếng mèo rên, sự kết hợp giữa thở và tiếng mèo rên, nhịp tim đập. Chiếc gối thứ 5 có thể phát ra ánh sáng cầu vồng.
Khi tiến hành thử nghiệm với 24 sinh viên, chiếc gối chỉ thở mang lại cảm giác dễ chịu nhất khi ôm. Dựa trên thông tin này, nhóm nhà khoa học đã tạo ra một phiên bản lớn hơn. Thiết bị mới có vỏ ngoài bằng sợi micro mềm, nhồi polyester và một túi khí ở giữa. Túi khí này phồng lên và xẹp xuống nhịp nhàng nhờ một máy bơm đặt bên ngoài mà người dùng không thể nghe hay nhìn thấy.
Trong thử nghiệm tiếp theo, các chuyên gia tạo cảm giác lo lắng cho 129 tình nguyện viên khác bằng cách yêu cầu họ giải một loạt đề toán bằng miệng trước mặt nhau. Trong 8 phút trước khi bài kiểm tra bắt đầu, 44 người chỉ ngồi và không làm gì, 40 người khác được hướng dẫn tập thở theo phương pháp thiền, 45 người còn lại ôm gối thở.
Dựa trên bảng câu hỏi dùng để đánh giá mức độ lo lắng của các tình nguyện viên trước và sau bài kiểm tra, nhóm chuyên gia nhận thấy nhóm ôm gối và ngồi thiền ít lo lắng hơn đáng kể so với nhóm không làm gì. Các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm hiểu cơ chế chính xác mà gối thở giúp con người bớt căng thẳng.
"Về sau, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu với 21 người ôm gối và đo nhịp thở của họ. Những chiếc gối cũng có nhịp thở khác nhau", bà Haynes cho biết.
"Chúng tôi thấy nhịp thở của đa số người tham gia đồng bộ một phần hoặc hoàn toàn với nhịp thở của gối. Vì vậy, chúng tôi nghĩ việc giảm lo lắng chủ yếu là do sinh viên thở chậm lại để khớp với nhịp thở của gối ôm. Thở chậm đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến hệ thần kinh và giảm các triệu chứng căng thẳng, lo lắng", bà nói thêm.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí PLOS ONE. Nhóm nghiên cứu cũng dự định tiếp tục cải tiến gối thở để thử nghiệm nó trong các hộ gia đình với thời gian dài hơn.
Theo Vietq.vn