Cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nhằm mục đích thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình thực tiễn tốt trong các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững giữa Chính phủ, các bộ ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tổ chức hội nghị “Phát triển bền vững – xu thế tất yếu và sự cần thiết đối với doanh nghiệp”. Hội nghị quy tụ 100 đại biểu bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ban ngành và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mở đầu hội nghị, TS. Đoàn Duy Phương - Chủ tịch VBCSD cho biết, phát triển bền vững là xu thế tất yếu của toàn cầu, các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Công tác phát triển doanh nghiệp luôn là trọng tâm của một quốc gia. Ông Phương cũng đã chỉ ra 5 phương thức phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đó là việc sẽ đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Sẽ công bố 100 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất Việt Nam vào đầu tháng 11 năm 2016; thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh; dự án sáng kiến xanh; thúc đẩy mô hình cùng kinh doanh với người có mức thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an ninh xã hội. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo sự liên kết đối tác, huy động nguồn lực xã hội. Đồng thời thực hiện các chính sách của Chính phủ, xúc tiến đầu tư tài chính tư nhân.
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục môi trường chia sẻ về các vấn đề môi trường và xã hội trong phát triển kinh tếhiện nay tại Việt Nam. Ông bày tỏ sự kỳ vọng về các giải pháp thu hút sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức dân sự xã hội, các tổ chức phi chính phủ và khối doanh nghiệp vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu theo tinh thần của Thảo thuận Paris, cũng như các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội từ thị trường trong nước và quốc tế.
Ông cho biết, trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường, đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án về bảo vệ môi trường, chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, chưa có sức cạnh tranh. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan nhằm thúc đầy sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham vấn, trình Chính phủ về vấn đề này. Ông Tuấn cũng cho biết, cần tái cấu trúc nền kinh tế, đưa các các cách thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Có mặt tại hội nghị, bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan đã trình bày những vấn đề mà bà quan tâm về sự phát triển bền vững doanh nghiệp. Bà cho biết, sự phát triển bền vững doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích chung cho 2 quốc gia Việt Nam, Hà Lan. Thông qua hội nghị, bà Nienke Trooster cũng cho rằng, sự phát triển bền vững cần phải luôn cân nhắc về sử dụng năng lượng, các về đề môi trường, biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững doanh nghiệp sẽ luôn là sức hút, và đó cũng là định hướng cho tương lai của mỗi quốc gia.
Ông Leo Evers – Tổng Giám đốc điều hành Nhà máy bia Heineken Việt Nam giới thiệu “Báo cáo Phát triển bền vững năm 2015 – Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”.
Với nhiều hoạt động điển hình ưu tú trong các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, tại hội nghị, ông Leo Evers – Tổng Giám đốc điều hành Nhà máy bia Heineken Việt Nam giới thiệu “Báo cáo Phát triển bền vững năm 2015 – Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”. Đây là năm thứ 2 Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (HVBL) thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
Thông qua bản báo cáo, nhằm trình bày cụ thể kết quả đạt được trong năm 2015 những mục tiêu và cam kết lâu dài của HVBL trong việc phát triển bền vững, góp phần mang lại những tác động tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường.
Báo cáo phát triển bền vững của HVBL tập trung vào 6 lĩnh vực trọng tâm: Tuyên truyền uống có trách nhiệm; bảo vệ nguồn nước; giảm thiểu khí thải CO2; hỗ trợ cộng đồng; nguồn cung ứng bền vững; sức khỏe và an toàn.
Ông Leo Evers cũng chia sẻ: Trong khi tiếp tục thực hiện các lĩnh vực trọng tâm của công ty theo đúng chiến lược phát triển của Heineken toàn cầu, năm 2015, chúng tôi đã chủ động tổ chức đối thoại với các bên liên quan trong và ngoài công ty về những vấn đề trọng yếu và đã nhận được những phản hồi hữu ích cho lộ trình phát triển bền vững của công ty”.
Kết thúc hội nghị, các ý kiến cho rằng, cụm từ “doanh nghiệp là trọng tâm” nên được quan tâm, cũng như giữa các doanh nghiệp luôn cần có sự đồng hành để cùng phát triển. Các doanh nghiệp phát triển bền vững phải luôn đồng hành với việc giảm thải khí CO2, áp dụng chính sách năng lượng xanh, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, có ý thức với môi trường…
Nguồn Doanhnghiepvn