Lãng phí thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm là những vấn đề nghiêm trọng nhất mà người dân đô thị phải đối mặt hiện nay. Lãng phí thực phẩm góp phần gây phát thải khí nhà kính và làm tăng chi phí kinh tế, môi trường. Do thực phẩm bị hỏng vẫn là nguyên nhân chính gây lãng phí thực phẩm nên các điều kiện chế biến, vận chuyển và bảo quản thực phẩm cần được cải thiện sao cho phù hợp với những tiến bộ công nghệ hiện nay.
Các quy trình giám sát hiện có được tiến hành trong phòng thí nghiệm và sử dụng các thiết bị sắc ký đắt tiền. Tuy nhiên, quy trình này không chỉ đòi hỏi quá nhiều thời gian mà còn cả nguồn lực và nhân viên có trình độ. Vì vậy, chúng không hiệu quả trên thực tế.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Food đưa ra giải pháp thay thế quan trọng cho quy trình này: Một cảm biến mới thân thiện với người dùng, tiết kiệm chi phí và cập nhật có thể được sử dụng trực tiếp trên thực phẩm để thay thế phương pháp giám sát trong phòng thí nghiệm. Thiết bị không dây thu nhỏ có kích thước 2 x 2cm cho phép đo trong thời gian thực, không dùng pin và tương thích với điện thoại thông minh. Thiết bị được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao đặc biệt cho các loại thực phẩm giàu đạm như thịt bò, thịt gà và cá.
Mặc dù các giải pháp hiện có tập trung vào sự thay đổi màu sắc của thực phẩm, thiết bị mới này lần đầu tiên cung cấp phương pháp đo điện dung và sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) với giao tiếp không dây và không cần nguồn điện. Điều này giúp loại bỏ những nhược điểm lớn trong các thiết bị điện trở như độ nhạy với độ ẩm, dữ liệu không chính xác do khoảng cách.
Phát minh mới không chỉ mang lại cho các công ty cơ hội giảm chi phí mà còn giúp ích rất nhiều cho người tiêu dùng. Thiết bị nếu được thương mại hóa rộng rãi sẽ theo dõi liên tục trên các kệ hàng và cho phép người dùng kiểm soát độ tươi ngay trước khi mua sản phẩm thậm chí trước khi tiêu dùng tại nhà. Cơ hội phân tích thực phẩm bị hỏng theo yêu cầu qua điện thoại di động cuối cùng sẽ giúp ngăn ngừa lãng phí thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Thiết bị có hiệu quả về chi phí và khả năng tiếp cận, sẽ góp phần vào cuộc chiến quy mô lớn chống nóng lên toàn cầu và phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả, nhanh chóng. Các bước tiếp theo sẽ tập trung tăng tiềm năng thương mại hóa sản phẩm trong thời gian tới.
Nghiên cứu được thực hiện bởi TS. Emin İstif tại trường Đại học Kadir Has, Thổ Nhĩ Kỳ và PGS. Levent Beker tại Đại học Koç, phối với hợp GS. İskender Yılgör, TS. Emel Yılgör và PGS. Çağdaş Dağ tại Đại học Koç và PGS. Hatice Ceylan Koydemir tại Đại học Texas A&M.
Theo Vietq.vn