Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, từ lâu, bia rượu và nước giải khát luôn gắn với liền với văn hóa ẩm thực như các ngày hội, lễ, tết... của đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, ngành đồ uống nói chung và bia rượu nói riêng được đầu tư tốt, phát triển hiệu quả và ổn định. Thị trường trong nước được mở rộng, xuất khẩu ngày một rộng mở hơn.
Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng chậm, khiến tiêu thụ trong nước cũng bị hạn chế. Sản xuất bia năm 2014 đạt 3,14 tỉ lít nhưng chỉ tăng 3,1% so với năm 2013, bình quân tăng trưởng 5 năm gần đây (2010-2014) là 9,5%, giảm so với sự tăng trưởng luôn ở mức 2 con số giai đoạn trước đó. Trong khi đó, công nghiệp chế biến bảo quản trái cây, rau củ, quả còn yếu do thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu.
Cùng với đó, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã tạo cơ hội cho nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Sappro, AB InBev dẫn đến cạnh tranh tăng, tạo sức ép cho các công ty trong nước.
Để các DN ngành đồ uống trong nước đứng vững trước các DN nước ngoài trong xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông Bùi Trường Thắng, Vụ Phó Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho rằng, trong giai đoạn tới, các DN trong nước cần tập trung mở rộng thị trường, đồng bộ hóa thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đánh giá về những cơ hội cho ngành đồ uống trong nước trong quá trình hội nhập, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ngành đồ uống Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển. Việc cần làm đó là nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thương hiệu.
Theo ông Thiên, một điều quan trọng mà các DN ngành đồ uống trong nước cần phải nắm bắt để có chiến lược phát triển phù hợp, đó là xu thế đồ uống trong thời gian tới. Các sản phẩm đồ uống cần phải gắn liền với ẩm thực ăn uống và du lịch.
Hội nhập quốc tế cùng với việc Cộng đồng ASEAN di chuyển tự do sẽ là tiền đề cho du lịch đẳng cấp cao bùng nổ (ăn sang, chơi sang), do đó ngành đồ uống cần nâng cấp chất lượng, đẳng cấp và đặc sắc nhằm theo kịp xu hướng này.
Chia sẻ về sự phát triển các đồ uống phổ biến tại Việt Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, hiện nay, bên cạnh các sản phẩm như bia và cà phê là những thức uống du nhập thành công vào Việt Nam và phát triển nhanh chóng thì các đồ uống nguyên sản từ trà, một thế mạnh của Việt Nam thì chúng ta không phát huy được ưu thế của mình để nâng tầm thành “văn hóa” trà đạo như ở Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, là một nước xuất khẩu cà phê thuộc tốp đầu thế giới nhưng Việt Nam lại chưa tạo ra được thương hiệu lớn mang tầm vóc quốc tế.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, bên cạnh sự phát triển của khoa học công nghệ góp phần lớn vào việc nâng cao chất lượng và sản phẩm các đồ uống thì văn hóa góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành đồ uống. Các thức uống truyền thống của người Việt cần được phát huy và nâng cao.
Ông Quốc cho biết, hiện nay, nhiều khách sạn tại Việt Nam đã chú ý tới các thức uống truyền thống như chè tươi, lá vối… như là một phương thức độc đáo nhằm thu hút du khách, đây là điều đáng mừng, tuy nhiên cần phải nâng cấp, để trở thành các ưu thế thương mại. Chính vì vậy, các DN ngành đồ uống trong nước cần hướng tới các sản phẩm vừa có lợi cho sức khỏe, vừa mang phong cách văn hóa truyền thống và gắn với xu hướng thương mại du lịch.
Nguồn: Chinhphu.vn