Động lực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp
Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, giai đoạn 2011- 2014 là giai đoạn mà công nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức từ bối cảnh quốc tế và nội tại trong nước. Tuy nhiên, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giữ tốc độ ổn định trong giai đoạn 2011-2014 bình quân là 8,3%/năm, dự kiến đến năm 2015 tăng trưởng bình quân 5 năm là 8,07%/năm. Trong nội bộ ngành công nghiệp, ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng cao nhất, ước tăng bình quân 9,7%/năm; tiếp đến là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải và nước thải tăng bình quân 9,1%/năm; ngành chế biến, chế tạo ước tăng 8,1%/năm; ngành khai khoáng tăng thấp nhất, ước tăng 1,9%/năm.
Xét dưới góc độ cơ cấu ngành, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP tăng dần, cơ cấu đã từng bước được chuyển dịch đúng với định hướng, tăng dần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần ngành khai khoáng, cụ thể: Ngành khai khoáng giảm từ 8,5% năm 2010 xuống 8% năm 2015; ngành công nghiệp chế biến tăng từ 86,5% năm 2010 lên khoảng 86,6% năm 2015. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá; ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là dấu hiệu khôi phục sản xuất công nghiệp vẫn còn hạn chế, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến nông sản. Vẫn chưa có sự đột biến trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, điều này làm cho mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn tiếp tục là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng dựa vào gia công. Thêm vào đó, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, như: Dệt may, da giày, điện tử chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Việc lựa chọn các đối tác FTA của Việt Nam đều hướng tới lợi ích mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Trong số các FTA này, có thể khẳng định vị trí quan trọng của TPP vì nó được coi là hiệp định mẫu của thế kỷ 21 và có sự tham gia của Mỹ. Như vậy, các FTA này là động lực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thông qua sự tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, bởi sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD/năm, trong đó Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, theo quy định của TPP, hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP. Đây chính là cơ hội “vàng” thúc đẩy các DN công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất khó có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm, trình độ quản lý cao, vì thế trước mắt, thay vì cạnh tranh, các DN Việt Nam có thể liên kết, hợp tác với DN nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, từ đó từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, đối với ngành dệt may, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị gia tăng nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Đây cũng là sức ép thúc đẩy các DN trong nước chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vượt rào cản
Theo Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam cần có các quyết sách quyết liệt và đặc biệt phải dành nguồn lực thích đáng cho phát triển công nghiệp chế tạo, trong đó cần tập trung phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên cơ sở tận dụng các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việc phát triển CNHT trong giai đoạn này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo của thế giới. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực phù hợp để hỗ trợ các DN trong lĩnh vực CNHT, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hỗ trợ về vốn tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và các ưu đãi về thuế và cơ sở hạ tầng.
Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định TPP là một thách thức đối với năng lực cạnh tranh của một số ngành công nghiệp. Đối với các ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, thách thức trong việc tận dụng cơ hội giảm thuế, vượt qua các biện pháp kỹ thuật cũng như các quy định về quy tắc xuất xứ. Đối với các ngành trong nước, TPP đặt ra thách thức trong việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời, TPP cũng đặt ra thách thức đối với tư duy quản lý của các DN ngành công nghiệp Việt Nam. Khi tham gia hiệp định TPP sẽ chuyển từ các rào cản thuế quan sang các rào cản kỹ thuật, môi trường. Để vượt qua các rào cản kỹ thuật, các doanh nghiệp phải có sự lựa chọn, theo dõi những thay đổi trong chính sách của các thị trường mục tiêu để chủ động chuẩn bị các biện pháp vượt rào cản chứ không phải chạy từ thị trường này sang thị trường khác. Trong cách tiếp cận này, các doanh nghiệp cần xác định và tập trung khai thác lợi thế của mình và hợp tác với các đối tác phù hợp để có thể cùng nhau tiếp cận thị trường. Chính điều này đòi hỏi sự thay đổi tư duy kinh doanh của các DN Việt Nam. Không những thế, công nghiệp Việt Nam cũng phải vượt qua thách thức về bảo đảm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường.
Trong dài hạn, việc bảo hộ tài sản trí tuệ tốt hơn được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có động lực mạnh mẽ hơn để đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo mà Việt Nam đang tìm cách phát triển", PGS, TS Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định. Tóm lại, TPP có thể tạo ra một số tác động tích cực đối với phát triển công nghiệp Việt Nam trong cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi cùng với thách thức, do đó Chính phủ và DN cần có bước chuẩn bị kỹ càng và các chiến lược rõ ràng để nắm bắt các cơ hội này, tránh phóng đại quá mức những cơ hội mà TPP đem lại.
Nguồn: nhandan.com.vn