“Đánh thức” tiềm năng
Theo đánh giá của các chuyên gia, logistics là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Để “đánh thức” nguồn tiềm năng này, tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg (Quyết định 200) phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, là đơn vị đầu mối, ngay trong tháng 4/2017, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 200 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong tháng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành kế hoạch riêng của Bộ để triển khai kế hoạch hành động của Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng tổ chức đoàn công tác để tìm hiểu việc thực hiện và đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai Quyết định này. Tháng 10 vừa qua, Bộ đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức 2 hội thảo quan trọng về nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng, hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ trong logistics.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ chính trong Quyết định 200 là tìm giải pháp xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả kết nối giữa các DN. Trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó thúc đẩy và chỉ đạo một số địa phương và DN tiềm năng xây dựng các trung tâm tại Việt Nam.
“Căn cứ vào những điều kiện thực tế và đòi hỏi khách quan, nhà nước sẽ đưa ra chính sách để hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng xây dựng và phát triển các trung tâm này ở vị trí thích hợp chứ không làm thay DN” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 400 tỷ USD, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam còn rất nhiều. Do đó, các DN dịch vụ logistics Việt Nam được nhà nước khuyến khích nhanh chóng vươn lên, nắm bắt cơ hội. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ DN: Tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, tránh tình trạng các DN lớn lạm dụng vị trí thống lĩnh để chèn ép các DN nhỏ; phối hợp với các DN xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics; thúc đẩy sự liên kết giữa các DN logistics với nhau; đề cao vai trò các hiệp hội, gắn với thúc đẩy đổi mới, phục vụ phát triển nhanh và mạnh hơn nữa của các DN dịch vụ logistics trong nước.
Tạo diễn đàn cho doanh nghiệp
Nhằm tạo điều kiện để các DN dịch vụ logistics gặp nhau và gặp gỡ khách hàng tìm hiểu nhu cầu, các xu hướng công nghệ mới, tình hình phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam, khu vực và thế giới, từ đó đưa ra định hướng cho công việc kinh doanh, trong 2 ngày 14 và 15/12/2017, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017. Đây là lần thứ 5 hoạt động này được Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.
Diễn đàn cũng là dịp quan trọng để các nhà hoạch định chính sách tìm hiểu thực trạng và xu thế mới, từ đó đưa ra giải pháp trong hoạch định chính sách, pháp luật, tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển hơn nữa theo đúng tiềm năng.
“Diễn đàn đã nhận được những phản hồi khá tích cực từ các DN trong nước và nước ngoài sau 4 lần tổ chức. Trong Diễn đàn năm nay, Bộ Công Thương sẽ công bố Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2017 nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin hệ thống, chính xác về hoạt động logistics, từ đó có cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động của mình” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin.
Tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô 41 tỷ USD/năm. |
Nguồn Báo Công Thương