Thứ Sáu, 22/11/2024 09:07:20 GMT+7
Lượt xem: 3912

Tin đăng lúc 14-03-2016

Phát triển khu công nghiệp, cách làm của Bình Dương

Vận dụng hiệu quả chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, tỉnh Bình Dương đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, hơn 20 năm qua, các khu công nghiệp đã trở thành một đòn bảy giúp Bình Dương không ngừng phát triển…
Phát triển khu công nghiệp, cách làm của Bình Dương
Sản xuất máy phát điện tại Công ty CP Sáng Ban Mai trong Khu công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương.

Thu hút đầu tư hiệu quả

 

Khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Bình Dương là Sóng Thần 1 được hình thành từ năm 1995 với diện tích 180 ha. Hơn 20 năm, đến nay, Bình Dương đã có 28 KCN với tổng diện tích quy hoạch gần 9.500 ha, trong đó có 26 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 8.871 ha. Theo Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương Trần Văn Liễu, hiện các KCN của tỉnh đã thu hút 2.025 dự án đầu tư của các doanh nghiệp (DN); trong đó có 464 dự án của DN trong nước với tổng vốn đầu tư 40 nghìn tỷ đồng và 1.561 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn gần 15,8 tỷ USD, chiếm 65,3% trên tổng nguồn vốn gần 24,2 tỷ USD đầu tư vào tỉnh. Nhiều KCN tại Bình Dương đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn FDI. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết, các KCN Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP) tại tỉnh thu hút 435 dự án với vốn đầu tư hơn 6,1 tỷ USD; KCN Mỹ Phước thu hút hơn 400 dự án với tổng vốn đầu tư gần 3,5 tỷ USD; KCN Xin-ga-po Ascendas Protrade thu hút gần 30 dự án với vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD; các KCN Sóng Thần, Đồng An, Việt Hương đều được lấp đầy diện tích. Hầu hết các DN lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.

 

Mới đây, vào giữa năm 2015, Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam đã đầu tư dự án chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt - nhuộm với vốn đầu tư hơn 274 triệu USD vào KCN Bàu Bàng. Ông Cheng Chen Yu, Chủ tịch HĐQT Công ty này cho biết, các KCN ở Bình Dương đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư với quỹ đất “sạch”, hạ tầng đồng bộ, giúp nhà đầu tư triển khai nhanh dự án để nắm bắt cơ hội cạnh tranh và dễ dàng nâng vốn mở rộng sản xuất. Các KCN kết nối ra bên ngoài, kết nối vùng thuận lợi, giúp cho hàng hóa của DN vận chuyển thông suốt, nhanh chóng. Đáng chú ý là không có KCN nào ở Bình Dương dùng ngân sách nhà nước (NSNN) để xây dựng, tất cả đều sử dụng vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Theo Trưởng ban Quản lý các KCN Trần Văn Liễu, đến nay, Bình Dương có 19 DN thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN.

 

Tạo sự đồng thuận, cùng có lợi

 

Trong phát triển KCN, gian nan nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Kinh nghiệm từ thực tiễn của Bình Dương là tạo sự đồng thuận, bảo đảm hài hòa về lợi ích. Để làm KCN, công tác quy hoạch được Bình Dương tính toán kỹ trên phương diện hiệu quả kinh tế, kết hợp hài hòa với các yếu tố xã hội, bảo đảm được đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng bị giải tỏa phải tốt hơn so với trước khi làm KCN. Khảo sát tại một số KCN ở Bình Dương, chúng tôi nhận thấy, đời sống người dân được cải thiện, hầu hết bà con ở vùng giải tỏa đều có cuộc sống mới ổn định, khấm khá; nhiều khu đô thị mới được hình thành. Ở nhiều nơi, người nông dân dù “ly nông” nhưng không phải “ly hương” nhờ các KCN đã mở ra nhiều hướng làm ăn, như buôn bán, xây phòng trọ cho thuê và kinh doanh nhiều dịch vụ khác.

 

Ở khu phố 2, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, nơi có khá đông người dân tái định cư từ khi làm các KCN như VSIP II, Đồng An II, Sóng Thần III, Đại Đăng…, giờ cuộc sống khá lên rõ rệt. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Nguyễn Kim Vui cho hay: “Ngày trước làm nông nghiệp, cuộc sống vất vả lắm, hết mùa đồng áng phải đi làm thuê ở xa để có cái ăn, cái mặc cho con cái. Từ khi các KCN này ra đời khoảng 10 năm nay, trên mảnh đất 300 m2 tái định cư được nhận gia đình tôi kinh doanh buôn bán, mỗi tháng thu nhập hơn mười triệu đồng”. Kế cận nhà chị Vui, ông Nguyễn Văn Mười Nghệ, hơn 60 tuổi cho biết: Với suất tái định cư và tiền đền bù, ông đã hoán đổi thêm đất để xây nhà và cất phòng trọ cho công nhân thuê, đến nay 35 phòng trọ của gia đình ông cho thu nhập ổn định hơn 40 triệu đồng/tháng. “So với làm nông trước đây, thu nhập của gia đình tôi đã tăng hơn mười lần” - ông Mười Nghệ vui vẻ so sánh và cho biết hiện nay, tìm ra một thanh niên ở địa phương thất nghiệp là rất hiếm.

 

Tổng Giám đốc Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp VSIP Nguyễn Phú Thịnh chia sẻ, triển khai xây dựng KCN VSIP từ năm 1996, chủ đầu tư cùng tỉnh tập trung vào công tác giải tỏa, đền bù. Thông qua việc xây dựng các khu tái định cư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trước; chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân địa phương bằng hình thức hỗ trợ trực tiếp, đào tạo nghề cụ thể cho con em người dân vùng giải tỏa. Nhờ việc làm mà KCN tạo ra, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển lĩnh vực dịch vụ như cho thuê nhà trọ, buôn bán. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được lợi ích từ chủ trương phát triển các KCN nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển, đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho nhân dân. Nhờ vậy, công tác giải tỏa, đền bù diễn ra nhanh chóng.

 

Tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, người dân và nhà đầu tư trong công tác giải tỏa, đền bù làm KCN, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) Nguyễn Văn Hùng cho biết, chủ trương nhất quán của Bình Dương là xây dựng KCN, tạo sự đột phá thúc đẩy KTXH để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Ở vùng giải tỏa, người dân phải có cuộc sống khá hơn trước; nếu bằng hoặc kém hơn thì quy hoạch và phát triển KCN chẳng có ý nghĩa gì. Chính vì thế, khi xây dựng các KCN, Becamex IDC và các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN khác đã được người dân ủng hộ, tạo thuận lợi hoàn thiện các KCN nhanh với quỹ đất “sạch” luôn chuẩn bị sẵn cho nên việc thu hút đầu tư có hiệu quả. Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương Trần Văn Liễu khẳng định, KCN phát triển đã tạo ra hàng loạt công ăn việc làm và đem đến nhiều dịch vụ cho người dân mưu sinh cho nên hầu hết người dân vùng giải tỏa có cuộc sống mới đổi thay và tốt hơn nhiều. Do vậy, người dân đồng thuận cao khi tiến hành xây dựng KCN. Tỉnh hiện còn hai KCN đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng, nhưng tỷ lệ đền bù, giải tỏa đã đạt hơn 98% diện tích.

 

 

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po tại Bình Dương.

 

Tiếp tục là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội

 

Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh Bình Dương bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển theo. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho rằng, các KCN thật sự là nơi thu hút nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho NSNN, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Thông qua KCN, nhiều công nghệ sản xuất mới được nhập vào tỉnh như sản xuất thiết bị, máy móc, phụ tùng ô-tô, điện thoại, linh kiện điện tử, dược phẩm… Nhờ đó, hàng nghìn sản phẩm mới với chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế đã ra đời, được xuất khẩu đi nhiều nước. Các KCN còn tạo việc làm trực tiếp cho hơn 379 nghìn lao động cùng đông đảo lao động gián tiếp. Hằng năm, nhiều DN trong các KCN ở Bình Dương đạt doanh thu cao và nộp NSNN lớn. Tính riêng trong năm 2015, các DN trong KCN tại Bình Dương có doanh thu hơn 17 tỷ USD, nộp NSNN hơn 275 triệu USD…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm khẳng định, các KCN đã giúp kinh tế của tỉnh phát triển nhanh chóng theo hướng công nghiệp -dịch vụ với tỷ lệ tương ứng: 60% - 37,3% trong cơ cấu kinh tế; giúp kinh tế của tỉnh phát triển theo kế hoạch, quy hoạch cụ thể và bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020, tỉnh Bình Dương có 33 KCN tập trung, trong đó có một số KCN mới được thành lập. Để các KCN phát triển căn cơ theo hướng nhanh và bền vững, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp: ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của DN để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân ở các KCN.

 

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các KCN.

 

Cùng với đó, Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin cho DN, nhà đầu tư hoạt động trong các KCN. Đẩy mạnh chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện sống và sinh hoạt của người lao động nhằm phục vụ sự phát triển bền vững và lâu dài của các KCN. Với kinh nghiệm hơn 20 năm phát triển, đồng thời phát huy phương châm “hạ tầng đi trước và đón đầu” của tỉnh, hy vọng các KCN của Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

 

Nguồn: nhandan.com.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang