Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:11:20 GMT+7
Lượt xem: 660

Tin đăng lúc 15-06-2022

Phát triển làng nghề nâng cao thu nhập cho người dân

Do chịu ảnh hưởng không nhỏ sau hơn hai năm ảnh hưởng dịch COVID-19, ngay khi thiết lập trạng thái bình thường mới, các làng nghề của huyện Thường Tín đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu để phát triển làng nghề, tạo việc làm cho người lao động.
Phát triển làng nghề nâng cao thu nhập cho người dân
Sản phẩm của làng nghề Thụy Ứng, huyện Thường Tín. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Thường Tín là địa phương nổi tiếng với hơn 120 làng nghề, trong đó có những làng nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của như: Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái); nghề thêu tại các xã: Quất Ðộng, Thắng Lợi, Lê Lợi; nghề điêu khắc ở các làng: Nhân Hiền (xã Hiền Giang), Thượng Cung (xã Tiền Phong), Thụy Ứng (xã Hòa Bình)... 

 

Trong những năm qua, các làng nghề phát triển đã góp phần quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, tại các làng nghề truyền thống có hàng nghìn cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng.

 

Để thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề, huyện Thường Tín cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại. Nhờ đó các sản phẩm làng nghề đa dạng hơn, có thế mạnh cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước.

 

Theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Văn Sửu, Cơ sở sản xuất lược sừng thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, thị trường Trung Quốc vốn là nơi xuất khẩu chủ yếu của các cơ sở sản xuất lược Sừng Thụy Ứng nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thích ứng với tình hình mới, các cơ sở sản xuất của làng nghề cũng đang tập trung khai thác thị trường trong nước. Thay đổi mẫu mã, sản xuất các mặt hàng dân dụng cùng các mặt hàng trang trí mang tính nghệ thuật tinh xảo thích ứng với từng đối tượng khách hàng là hướng đi mới mà các cơ sở sản xuất làng nghề Lược sừng Thụy Ứng tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Hồng Chăm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, huyện Thường Tín cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế làng nghề, doanh thu giảm từ 20%-50% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. Với sự năng động tìm kiếm thị trường của các cơ sở sản xuất làng nghề, huyện Thường Tín cũng đang đẩy nhanh việc quy hoạch phát triển du lịch làng nghề, xây dựng điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm để các làng nghề đón du khách, bán sản phẩm ngay tại địa phương.

 

Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, toàn xã có 3 thôn thì có 2 thôn được công nhận làng nghề truyền thống và 1 thôn phát triển hoạt động dịch vụ kinh doanh thương mại làng nghề. Với trên 8.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 70% lao động trong xã tham gia sản xuất nghề mộc dân dụng góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương và lao động từ nơi khác đến. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 62 triệu đồng/người/năm.

 

Theo Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề, huyện Thường Tín cũng phối hợp với các Sở, ngành của thành phố để triển khai các biện pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề phát triển.

 

Để hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, huyện Thường Tín cũng đang tập trung quy hoạch các cụm điểm công nghiệp làng nghề, xây dựng khu vực giới thiệu sản phẩm làng nghề gắn với du lịch để phát triển bền vững các làng nghề truyền thống độc đáo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Nguồn: chinhphu.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang