Chủ Nhật, 03/11/2024 20:37:06 GMT+7
Lượt xem: 3534

Tin đăng lúc 30-09-2016

Phát triển năng suất xanh: Nhìn từ mô hình xã hội tái chế bền vững

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDEC 2) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp với Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) và Quỹ Năng suất xanh Đài Loan (TGPF) tổ chức Hội thảo “Mô hình xã hội tái chế bền vững và những bài học kinh nghiệm”.
Phát triển năng suất xanh: Nhìn từ mô hình xã hội tái chế bền vững

Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu là các chuyên gia đến từ APO Việt Nam, TGPE và 55 doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải tại Hà Nội và Đài Loan.

 

Theo ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng: “Là thành viên của APO, trong những năm qua chúng tôi đã cùng với TGPS tổ chức nhiều hội thảo quốc tế liên quan đến tái chế chất thải của APO COE GP. Với vai trò là đơn vị đầu mối quản lý thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, chúng tôi hy vọng, qua hội thảo, các tổ chức và doanh nghiệp thực hiện tái chế tại Việt Nam không những có được thông tin từ phía Đài Loan mà còn có cơ hội tiếp cận những doanh nghiệp, những nhà đầu tư về thiết bị, công nghệ cũng như tận dụng những kinh nghiệm mà phía Đài Loan chia sẻ để triển khai tại đơn vị mình, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris - COP 21 về ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2015”.

 

Với trên 80% rác thải được tái chế, các chuyên gia của TGPF đã đem đến những kinh nghiệm từ Đài Loan trong lĩnh vực này. Theo đó, Đài Loan triển khai đề án EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) bao gồm hệ thống ký quỹ hoàn chi bắt buộc thu hồi sản phẩm và bắt buộc dán nhãn môi trường. Các chương trình tái chế xác định rõ vai trò của Chính phủ, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Nhờ đó các nhà sản xuất đã hướng đến thiết kế và sản xuất xanh để dễ tái chế do có quy định về trách nhiệm mở rộng sản xuất. Đồng thời với việc thành lập Quỹ tái chế chất thải, Chính phủ có các nguồn lực để thực hiện giáo dục tái chế, tuyên truyền cũng như nghiên cứu và phát triển.

 

 

Đặc biệt, hội thảo cũng giới thiệu các mô hình thành công của Đài Loan trong hoạt động tái chế thông qua xây dựng các công viên công nghệ và khoa học môi trường. Các công viên này có trách nhiệm xúc tiến lập kế hoạch thực hiện và quản lý điểm. Doanh nghiệp tái chế khi đầu tư vào công viên không cần đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp được trung tâm dịch vụ của công viên hỗ trợ trong việc đăng ký giấy phép, trợ cấp tiền thuế đất, trợ cấp trong sản xuất, trợ cấp trong nghiên cứu, hỗ trợ thông qua các công cụ tài chính như: miễn thuế nhập khẩu máy phòng chống ô nhiễm, ngân hàng cho vay với các chính sách của chính phủ thông qua “kế hoạch tài chính dài hạn và việc sử dụng các quy tắc khuyến mãi” để vay vốn…

 

Theo bà Liu Lan Ping - Giám đốc cấp cao của TGPF: Giai đoạn đầu của việc thành lập các quy định (Luật Xử lý chất thải) và hệ thống đã gặp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất và nhà phân phối. Tuy nhiên trong quá trình triển khai các quy định và hệ thống đã phải tiến hành điều chỉnh, sửa đổi thường xuyên, việc duy trì các quy định và hệ thống đã phải mất rất nhiều chi phí hành chính. Nhưng kết quả cũng chỉ ra rằng những nhà tái chế và những nhà máy xử lý chất thải có thể được tài trợ từ Quỹ tái chế để có lợi nhuận. Vì vậy nhiều nhà đầu tư đã chạy đua vào lĩnh vực tái chế chất thải điện tử và phục hồi kinh tế.

 

Hiện, tại Đài Loan, nhiều nhà tái chế và những nhà máy xử lý chất thải đã được xây dựng với sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực tái chế chất thải điện tử. Công suất hoạt động của hầu hết các nhà máy xử lý chất thải điện tử thấp hơn công suất thiết kế.

 

Từ kinh nghiệm của Đài Loan bà Liu Lan Ping cũng chỉ ra rằng: “Thực tế cho thấy, chỉ một phần nhà sản xuất, nhập khẩu và nhà phân phối tham gia vào chương trình thu hồi sản phẩm hoặc chương trình tái chế. Một số công ty quốc tế phàn nàn rằng họ phải trả phí tái chế nhưng họ vẫn phải thực hiện chương trình tái chế và hệ thống xử lý của riêng họ để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà máy sản xuất theo yêu cầu của công ty mẹ".

 

Hiện Đài Loan đang đẩy mạnh tái chế các sản phẩm điện tử, các chất thải của ngành công nghiệp PCB. Doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp PCB của Đài Loan đạt 1,744.8 tỷ USD và tái chế đang được xem là giải pháp chủ yếu để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến PCB ở Đài Loan. Đồng thời phát triển năng lượng sinh khối cũng được Đài Loan hết sức coi trọng, thông qua xử lý chất thải rắn công nghiệp, đô thị và sử dụng công nghệ chuyển đổi sinh khối (đốt trực tiếp) để phát nhiệt và điện thương mại được phát triển rất tốt tại đây.

 

Nguồn Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang