Những hạn chế nhìn thấy
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là 25.014 DN, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) là 1.465.008 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản phẩm cơ khí Việt Nam có rất ít thương hiệu trong nước. Các DN cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao và gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Lý giải thực tế trên, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ nhất, các DN cơ khí Việt Nam tính liên kết còn hạn chế. Thứ hai, yếu tố khách quan là vấn đề lãi suất ngân hàng. DN phải đi vay lãi suất thương mại 8-9%/năm thì đó là vấn đề lớn. Ngoài ra còn có yếu tố tạo lập thị trường, liên kết vùng, nhân sự, lao động...
“Về nguyên nhân chủ quan, mặc dù nhà nước nhận diện đây là ngành quan trọng nhưng việc ban hành cơ chế, chính sách rất hạn chế. Quản lý nhà nước cần tiếp tục đề xuất, quyết liệt ban hành chính sách sát thực tế. Bởi nếu chỉ hô khẩu hiệu mà DN không biết bắt đầu từ đâu, thì sẽ không mang lại hiệu quả” - ông Nguyễn Ngọc Thành chỉ ra.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam - cho hay: Những năm qua, DN cơ khí có bước đột phá, trong đó phải kể đến một số DN trong lĩnh vực ôtô như Vinfast, Thành Công, Thaco. Chỉ trong vòng 21 tháng, Vinfast đã đưa ra thị trường ôtô mang thương hiệu Việt Nam. Cơ khí gia công chế tạo có một số DN như Toyota, Nikon… Tuy nhiên, họ vẫn coi cơ khí là phụ trợ. Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng- Tổng thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) - cho rằng, cơ chế, chính sách không phải không có. Trong chương trình phát triển thiết bị nội địa hóa, Chính phủ có Quyết định 1791 để nội địa hóa. Sau khi thực hiện 1-2 năm thì chưa dự án nào thực hiện đúng quyết định và không có chế tài nào bắt chủ đầu tư thực hiện. Nếu không có chế tài thì chính sách khó có thể thực thi.
Tập trung lĩnh vực cơ khí nền tảng
Thực tế, đã có nhiều văn bản để phát triển ngành cơ khí như Luật Đầu tư năm 2014, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Rõ ràng, Đảng, Chính phủ rất quan tâm phát triển công nghiệp cơ khí.
Song để đưa ra giải pháp cụ thể cho phát triển ngành cơ khí, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, nhà nước, DN nên ưu tiên một số lĩnh vực mang tính nền tảng. Cụ thể, tiếp tục đầu tư và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí (lĩnh vực ôtô, đóng tàu, chế tạo thiết bị phục vụ nông -lâm-ngư nghiệp); khuyến khích DN luyện kim trong nước đầu tư sản xuất thép chế tạo để cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho ngành cơ khí. Sớm giảm thuế thu nhập cho DN cơ khí xuống còn 15% (thay vì 25% như hiện nay); nâng hệ số điểm ưu tiên cho DN sử dụng sản phẩm chế tạo trong nước thay cho các sản phẩm cung cấp từ nước ngoài khi đấu thầu lên 15% điểm tổng hợp trong bảng đánh giá thay vì cộng thêm 7,5% điểm tổng hợp như hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Thành thông tin thêm, ngành cơ khí cần tạo dựng được thị trường trong nước. “Từ nay đến năm 2030, ngành cơ khí nhu cầu rơi vào 300 tỷ USD, nhưng Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội chúng ta tiếp cận thị trường thế giới là rất lớn. Chúng ta cần tạo ra giá thành, tính ổn định, thị trường… thì cơ khí Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển”- ông Nguyễn Ngọc Thành phân tích.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, tới đây Cục sẽ chủ động tiếp cận các DN cơ khí, tuyên truyền chính sách liên quan đến ngành, tạo điều kiện cho ngành cơ khí Việt Nam phát triển bền vững.
Cục Công nghiệp cho biết, Việt Nam đang mở cửa, có rất nhiều cam kết hội nhập thế hệ mới, vì thế một mặt cần bảo vệ sản xuất trong nước cho các sản phẩm cơ khí, nhưng bên cạnh đó vẫn phải chủ động hội nhập quốc tế. |
Theo Báo Công Thương