Hội nghị có sự tham dự và Phát biểu tham luận của Giáo sư Phan Xuân Dũng, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên BTV Quốc hội, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TW Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Vietel. Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Tổ chức cán bộ và đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã tham dự Hội nghị.
Chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đây là một chủ đề lớn, được xem xét, bàn thảo trong khá nhiều diễn đàn, hội thảo trong nước và quốc tế thời gian vừa qua. Đối với Ngành Công Thương, xét từ khía cạnh của các nhà cung cấp nguồn nhân lực mà cụ thể ở đây chính là các Trường, các cơ sở đào tạo của Bộ hay từ phía cầu, từ các ngành, doanh nghiệp sử dụng lao động, đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để sớm đưa ra những định hướng và giải pháp cụ thể trong bối cảnh có nhiều thay đổi với tốc độ rất cao.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước là vấn đề sớm được đặt ra trong định hướng của Đảng và tổ chức triển khai của Chính phủ. Thực hiện chủ trương chung, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở đào tạo của Bộ tổ chức thực hiện. Kết quả triển khai thời gian qua đã đóng góp những thành tựu hết sức tích cực cho công cuộc phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn có những cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường của Bộ Công Thương, đội ngũ giảng viên còn mỏng và yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong xu thế phát triển vũ bão và tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Do đó, trong giai đoạn hiện nay cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần được xem xét, đánh giá toàn diện với nhiều yêu cầu và thách thức mới đặt ra cho các cơ sở đào tạo, đó là:
Quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện mô hình tăng trưởng từ chiều rộng, chủ yếu dựa vào việc gia tăng đầu tư, khai thác lợi thế về tài nguyên, nhân công giá rẻ sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu với động lực chính là việc tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh của các ngành kinh tế. Cùng với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, các ngành, lĩnh vực trong toàn bộ nền kinh tế cũng đang diễn ra quá trình tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ theo hướng dịch chuyển từ những ngành thâm dụng tài nguyên, lao động giản đơn, từ các dây chuyền gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp sang các ngành có giá hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao. Thêm vào đó là xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ và sự đóng góp ngày càng tăng của các dự án khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng cao, có khả năng thích nghi, tính chủ động, sáng tạo là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng những điều chỉnh có tính chiến lược của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Điều này tạo sức ép rất lới đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có sự chuyển đổi phù hợp nếu như không muốn bị bỏ lại phía sau.
Sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp công nghiệp lần thứ tư. Đây chính là bối cảnh hoàn toàn mới với nhiều yêu cầu và thách thức đặt ra đối với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mà chúng ta đang nói tới trong Hội nghị này. Có thể thấy, tâm điểm của cuộc Cách mạng này chính là việc hình thành các Nhà máy thông minh, Nhà máy số – nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định, toàn bộ hoạt động của nhà máy từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất, thiết kế, tổ chức sản xuất tới phân phối đều được quản lý, quản trị và thực hiện thông qua hệ thống thực - ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của internet vạn vật. Trong các Nhà máy đó, chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được. Rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao.
Một vấn đề nữa cần phải xem xét và tính đến trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đó là tác động từ việc chúng ta đã và đang ký kết, gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới. Chúng ta có thể thấy sự dịch chuyển của các trung tâm sản xuất qui mô khu vực và toàn cầu, dịch chuyển của dòng vốn đầu tư và công nghệ sau khi Việt Nam ký kết và gia nhập các Hiệp định thương mại tự do dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực có sự thay đổi về chất. Bên cạnh những thay đổi về thương mại và đầu tư, quá trình hội nhập cũng sẽ hình thành và phát triển mạnh mẽ những thị trường lao động có tính chất khu vực và toàn cầu. Nhân lực chất lượng cao mà chúng ta đang nói đến sẽ không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà sẽ cần phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài. Mục tiêu trở thành nhà cung nguồn lực chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế là vấn đề chúng ta cần đặt ra và cần có những hành động, giải pháp cụ thể ngay tại thời điểm này.
Theo Bộ trưởng, những vấn đề này chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi hết sức mạnh mẽ từ phía cầu của thị trường lao động, buộc chúng ta phải nhanh chóng có những thay đổi, điều chỉnh từ phía cung. Hay nói một cách khác, các Trường đại học, Cao đẳng, Trường nghề hiện nay không thể giữ nguyên phương thức, mô hình và nội dung đào tạo như trước đây mà cần sớm đưa ra những đổi mới phù hợp để có thể cung cấp những “sản phẩm” tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động với yêu cầu ngày càng khắt khe.
Chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động
Tham luận tại Hội nghị, Giáo sư Phan Xuân Dũng, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên BTV Quốc hội, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nêu tổng quan về các cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật cũng như bản chất của cuộc CMCN 4.0. Theo đó, Giáo sư Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, Cuộc CMCN 4.0 và tự động hóa là hội tụ của máy móc, nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng dự báo về một số tác động của cuộc CMCN 4.0: tác động đối với kinh tế và doanh nghệp; tác động đối với Chính phủ, đến an ninh - quốc gia; tác động đối với xã hội; tác động đối với cách sống, hành vi sống của người dân; tác động đến môi trường. Cụ thể, điểm tích cực có thể nhắc đến: đối với sự điều hành của Chính phủ, người dân tiếp cận gần hơn tới Chính phủ để nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động một cách thuận tiện, hiệu quả hơn; tác động đến môi trường: tích cực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; hầu như loại bỏ phế liệu, tiết kiệm tối đa tài nguyên... Tuy nhiên, tác động tiêu cực là an ninh số và quyền riêng tư sẽ bị đe dọa, gặp nhiều khó khăn về truyền thông với công chúng; con người sẽ mất dần những tình cảm tinh túy vốn có như sự thương cảm...
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TW Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Vietel tham luận về các vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh trước đây và hiện nay, đồng thời gắn với thực tiễn tại Vietel. Kết thúc bài tham luận súc tích, Tổng giám đốc Vietel khẳng định: Điều duy nhất không thay đổi trong cuộc sống này là sự thay đổi. Con người phải luôn cố gắng để tồn tại và phát triển, đặt chúng ta ra khỏi giới hạn an toàn để vươn lên. Chỉ có những cái không thể mới tạo ra những con người ưu việt và không ngừng thôi thúc chúng ta đi lên.
Đánh giá về Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, đây là một cơ sở đào tạo lớn, có uy tín và chất lượng của không chỉ Ngành Công Thương mà trên cả nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá rất cao nỗ lực Tập thể Lãnh đạo Nhà trường, các Thầy, Cô giáo trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhanh chóng nắm bắt và đón đầu xu hướng phát triển của thị trường lao động, Trường đã có nhiều thay đổi có tính chất căn cơ từ nội dung, chương trình đạo tạo tới phương pháp đào tạo cũng như việc quản trị đại học. Với sự chuyển mình kịp thời và nhạy bén, Trường đã trở thành địa chỉ tin cậy cho cả người học cũng như các Nhà tuyển dụng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi lời chúc mừng năm mới đến tập thể Lãnh đạo và cán bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Để tiếp tục phát huy truyền thống và những thành quả đã đạt được của Nhà trường trong thời gian qua, đảm bảo mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của một nền sản xuất thông minh trong tương lại, Bộ trưởng đề nghị Trường tập trung thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ sau:
Một là, quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Nếu như trước đây chúng ta hướng tới việc cung cấp được những sản phẩm đào tạo mà thị trường cần thì trong giai đoạn hiện nay, chúng ta còn phải đặt ra mục tiêu cao hơn đó là đi trước một bước nhằm đưa ra những sản phẩm mà thị trường sẽ cần.
Hai là, sớm thực hiện đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng với những thay đổi từ thực tiễn. Nền tảng động lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là việc phát triển và tích hợp mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực vật lý, sinh học, vật liệu và đặc biệt là các công nghệ số, kinh tế số. Ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một số chuyên ngành và kỹ năng, kiến thức mới cần được các trường nghiên cứu, bổ sung như: Cơ điện tử; công nghệ thông tin, trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực khoa học dữ liệu, an ninh, an toàn thông tin; Điện tử - Viễn thông. Trong lĩnh vực công nghệ chế tạo và vật liệu mới, cần bổ sung kiến thức liên quan tới công nghệ đắp dần in 3D, công nghệ mới trong lĩnh vực chế tạo máy, tự động hóa với xu thế thu nhỏ M4, gia công micro và nano … Về Chương trình đào tạo, không chỉ dừng lại ở việc đào đạo kỹ sư về năng lực làm chủ công nghệ hiện đại, để vận hành, bảo trì hệ thống, quản trị sản xuất ... nhà trường cần chủ trọng thiết kế chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, để cho ra trường lớp kỹ sư có đủ trình độ, phẩm chất, bản lĩnh để hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, thiết kế sáng tạo, phát triển sản phẩm và đổi mới công nghệ, ươm mầm các tổng công trình sư trong tương lai.
Ba là, đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy. Hiện nay, chúng ta đã triển khai khá tốt mô hình quản lý đại học điện tử, cần tiếp tục phát huy. Riêng đối với hoạt động đào tạo, để phục vụ tốt hơn cho người dạy và người học, trường cần sớm nghiên cứu, triển khai việc xây dựng hệ thống thư viện điện tử, các phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong dạy học, đẩy mạnh triển khai các mô hình đào tạo trực tuyến, mô hình kết hợp với doanh nghiệp,… Việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng phương thức tương tác mới giữa giảng viên với sinh viên theo hướng gợi mở khả năng sáng tạo, phát triển ý tưởng mới, xây dựng tính chủ động, khả năng tư duy logic, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp là hết sức cấp thiết.
Bốn là, nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong thời kỳ mới, đội ngũ Thầy, Cô giáo phải có những năng lực mới, năng lực sáng tạo và do đó đòi hỏi phải có những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm và những kỹ năng mềm cần thiết khác một cách căn bản và liên tục. Bên cạnh hoạt động đào tạo, cần tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở, đặc biệt chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu theo đơn đặt hàng của thực tiễn. Trong mọi cuộc cách mạng, vai trò của con người mang tính quyết định. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định để thực hiện thành công việc đổi mới chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trồng cây lưu niệm tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Bộ trưởng khẳng định, Chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hết sức hùng hậu. Để biến yếu tố này thực sự trở thành lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới một phần rất lớn phụ thuộc vào những thay đổi trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta hôm nay.
Nguồn MOIT