Theo dự thảo, đến năm 2020, hệ thống hoá đầy đủ các nguồn tri thức và sản phẩm sáng tạo của người Việt Nam bằng cách xây dựng và đưa vào sử dụng các thành tố chính của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, bao gồm: Thông tin về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; công bố khoa học và công nghệ trong nước, công bố quốc tế của các tác giả Việt Nam; chỉ số trích dẫn khoa học; tổ chức và nhân lực khoa học và công nghệ; thông tin về sáng chế và sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, đảm bảo bổ sung tối thiểu 75% nguồn tin khoa học và công nghệ quốc tế cho các tổ chức khoa học và công nghệ cấp quốc gia và phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, đảm bảo đáp ứng cơ bản các nhu cầu về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ tại các bộ, ngành, địa phương. Về cơ bản tất cả các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng được bộ sưu tập số hóa các tài liệu khoa học và công nghệ thuộc bộ, ngành, địa phương quản lý. Tạo điều kiện tích cực và chủ động trong việc khai thác các nguồn tin phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương. Tất cả các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học quy mô quốc gia, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin trọng yếu trong nước và quốc tế phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đến năm 2030, bổ sung, phát triển toàn diện các nguồn tin khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế, đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tất cả các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, tổ chức, cá nhân được tiếp cận, sử dụng các nguồn thông tin trọng yếu trong nước, quốc tế phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhiệm vụ và giải pháp
Dự thảo nêu rõ 3 nhiệm vụ thực hiện Đề án gồm: 1- Xây dựng và phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trong nước: Tập trung xây dựng và phát triển các nguồn tin khoa học và công nghệ trong nước, tạo thành hệ tri thức cốt lõi của nền khoa học và công nghệ Việt Nam. Các nguồn tin khoa học và công nghệ trong nước chủ yếu bao gồm: Cơ sở dữ liệu Nhiệm vụ khoa học và công nghệ Việt Nam; Cơ sở dữ liệu Công bố khoa học và công nghệ Việt Nam; Cơ sở dữ liệu về Tổ chức khoa học và công nghệ; Cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học Việt Nam; Cơ sở dữ liệu về sáng chế và sở hữu trí tuệ; Cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương.
2- Bổ sung, mua quyền truy cập các nguồn tin khoa học và công nghệ quốc tế.
3- Chia sẻ và khai thác các nguồn tin khoa học và công nghệ.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, dự thảo nêu rõ các biện pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển, chia sẻ và khai thác nguồn tin khoa học và công nghệ; huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hoá và các nguồn lực từ doanh nghiệp để phục vụ phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế quản lý tài chính để điều tiết kinh phí bổ sung các nguồn tin khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin khoa học và công nghệ và đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phát triển nguồn tin; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khai thác và sử dụng nguồn tin khoa học và công nghệ; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thông tin khoa học và công nghệ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về kinh phí, theo dự thảo, nguồn kinh phí thực hiện Đề án là ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương; kinh phí nhà nước cấp cho các bộ, ngành, địa phương; các nguồn tài chính hợp pháp khác của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Nguồn Chinhphu