Phát triển ồ ạt, tự phát
Qua rà soát của Bộ NN& PTNT, đến hết năm 2017, diện tích trồng cây ăn quả của cả nước khoảng 923.900ha, tăng 52.500ha so với năm 2016, trong đó: Diện tích trồng cam tăng 10.000ha, trồng bưởi tăng 13.000ha so với năm 2016. Diện tích trồng cây ăn quả có múi tăng mạnh chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, trong đó nhiều nơi đã vượt quy hoạch. Ví dụ, tại tỉnh Tuyên Quang, Đề án phát triển cây cam sành đến năm 2020 chỉ là 5.255ha nhưng hiện nay đã lên tới 7.730ha. Huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cũng đang vỡ quy hoạch về trồng cây ăn quả có múi. Theo quy hoạch, diện tích nhóm cây này ở địa phương đến năm 2020 là khoảng 5.000ha, song đến cuối năm 2017 toàn huyện đã vượt diện tích quy hoạch vài trăm héc ta. Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Giang…
Hiện nay, tại các địa phương, tình trạng giảm giá và dư thừa sản phẩm trái cây đã bắt đầu xuất hiện. Ví như, tại tỉnh Tuyên Quang, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, giá bán cam tại vườn dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, chỉ bằng nửa giá so với dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu…
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội cho biết, đến nay diện tích trồng cây ăn quả của thành phố là 16.700ha, tăng 1.200ha so với năm 2015; trong đó có khoảng 1.000ha trồng cam, 3.000ha trồng bưởi. So với các tỉnh phía Bắc, việc phát triển cây ăn quả có múi của Hà Nội vẫn nằm trong kế hoạch, song mức giá trái cây trên thị trường đã có xu hướng giảm. Trước đây, cam Canh bán với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg, nhưng hơn một năm nay, giá bắt đầu giảm. Giá bưởi Diễn cũng giảm tương tự. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, từ năm 2016, giá bưởi Diễn ở địa phương bắt đầu giảm, có thời điểm chỉ 20.000 đến 25.000 đồng/quả, do nhiều nơi cũng trồng loại cây này.
Có thể thấy, việc phát triển các loại cây trồng không theo quy hoạch đã để lại những bài học nhãn tiền. Điển hình cho tình trạng này là việc phải giải cứu dưa hấu, chuối... Không chỉ rủi ro về thị trường, việc phát triển ồ ạt cây ăn quả không theo quy hoạch có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh. Tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Giang đã xuất hiện bệnh vàng lá với cây cam, quýt hoặc bệnh lá nhỏ…, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái cây. Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, Cục đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố khuyến cáo các địa phương cần phát triển cơ cấu cây trồng hợp lý, trong đó có diện tích trồng cây ăn quả có múi để giảm tối đa tình trạng được mùa - mất giá.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Chăm sóc cây cam tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, dù Nhà nước có quy hoạch cụ thể cho từng loại cây trồng dựa trên các yếu tố phân tích thị trường, cân đối cung cầu và tính trên tổng thể phát triển của các địa phương, song việc kiểm soát quy hoạch rất khó, bởi quy mô sản xuất cây ăn quả có múi còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Nông dân còn nặng tâm lý chạy theo lợi nhuận, thấy sản phẩm bán chạy lại đua nhau trồng. Trong khi đó, diện tích cây ăn quả có múi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế nên việc tiêu thụ rộng rãi trong nước cũng như xuất khẩu gặp khó khăn. Chẳng hạn như tỉnh Tuyên Quang, đến nay mới có 216,3/7.730ha trồng cam và 5ha bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài sản xuất manh mún, chất lượng sản phẩm chưa cao, thì công nghệ chế biến trái cây cũng còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2017 sản lượng trái cây chế biến chỉ đạt 800.000 tấn/năm
so với tổng sản lượng là 22 triệu tấn/năm.
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN& PTNT) cho rằng: Các địa phương cần tăng cường ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến để tăng giá trị… Trong năm nay, Bộ NN& PTNT sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đưa 8 nhà máy chế biến trái cây vào hoạt động với tổng công suất thiết kế từ 1 triệu tấn đến 1,2 triệu tấn/năm, qua đó góp phần đẩy mạnh tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu, trong đó có cả cây ăn quả có múi.
Cùng với việc đẩy mạnh chế biến, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, các địa phương cần tăng cường liên kết vùng miền để kiểm soát sản lượng. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho cây ăn quả, chủ lực là cây ăn quả có múi gồm bưởi, cam...; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 15% đến 20% tổng giá trị sản xuất cây ăn quả toàn thành phố. Mặc dù diện tích cây ăn quả có múi Hà Nội vẫn nằm trong quy hoạch, song thành phố sẽ cân đối diện tích dựa trên sự phát triển chung của cả nước. Đặc biệt là sẽ thực hiện trồng rải vụ để tránh tình trạng dư thừa trong thời điểm thu hoạch.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả khá rõ nét, nên việc nông dân ở khắp các địa phương bỏ lúa và nhiều cây trồng khác để trồng cây ăn quả có múi là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra là các địa phương phải khuyến cáo kịp thời, không phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch để tránh những cuộc "giải cứu" trái cây có thể xảy ra trong tương lai. Bộ trưởng cho biết, để bảo đảm thu nhập cho nông dân, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sản xuất, phát triển cây ăn quả phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm không còn hiện tượng được mùa mất giá, cung vượt cầu...
Nguồn: Báo Hànộimới