Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí tại Ấn Độ ngày càng trở nên nghiêm trọng, chính phủ nước này đang khuyến khích người đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm có gắn bộ lọc và quạt với công dụng loại bỏ đến 80% bụi bẩn. Để góp phần giải quyết thực trạng này, Ấn Độ đã đầu tư vào công ty khởi nghiệp Shellios Technolabs để sản xuất chiếc mũ bảo hiểm lọc không khí ô nhiễm đầu tiên trên thế giới mang tên PUROS.
Kỹ sư Amit Pathak, người sáng lập Shellios Technolabs cho biết, công ty của ông đã thiết kế một chiếc mũ bảo hiểm gắn bộ phận lọc không khí, trang bị màng lọc có thể thay thế được, cùng với một chiếc quạt chạy bằng pin bền đến 6 tiếng và có thể sạc qua khe cắm USB.
Ông Amit cho biết họ đã bắt đầu bán phiên bản thử nghiệm của chiếc mũ bảo hiểm này từ năm 2019. Các cuộc kiểm tra của một phòng thí nghiệm độc lập đã xác nhận rằng chiếc mũ có thể ngăn người dùng hít phải hơn 80% chất ô nhiễm. Một báo cáo thử nghiệm cho thấy mũ PUROS đã cắt giảm mức độ hạt bụi mịn PM 2.5 từ 43,1 microgam ở bên ngoài không khí còn 8,1 microgam sau khi qua bộ lọc.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, chiếc mũ bảo hiểm đã mang lại không khí trong lành hơn cho người đi xe máy ở nước này, nơi có đến 35 trong số 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào năm ngoái. Amit Pathak cho biết PUROS đã nhận được sự quan tâm từ các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Anh kỳ vọng có thể bán 30 triệu mũ bảo hiểm mỗi năm.
Mỗi chiếc mũ bảo hiểm do Shellios Technolabs sản xuất được bán lẻ với giá 4.500 rupee (khoảng 1,3 triệu đồng), gấp gần bốn lần giá chiếc mũ bảo hiểm thông thường. Để giảm trọng lượng và giá thành sản phẩm, Shellios đã liên kết với nhà sản xuất khác để sản xuất phiên bản mũ PUROS nhẹ hơn từ vật liệu nhựa nhiệt dẻo, thay vì sử dụng sợi thủy tinh đắt đỏ. Shellios dự kiến ra mắt phiên bản mới trong vài tháng tới.
Theo VietQ