Các nhà nghiên cứu tại trường Y tế cộng đồng Yale và trường Kỹ thuật và khoa học ứng dụng Yale (Mỹ) đã phát triển một thiết bị lấy mẫu khí thụ động có thể đánh giá mức độ phơi nhiễm với virus.
Giải pháp này được đánh giá là rất hữu ích đối với những người lao động ở các địa điểm có nguy cơ cao, như nhà hàng hoặc các cơ sở y tế.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị lấy mẫu khí chủ động để phát hiện SARS-CoV-2 trong không gian phòng kín, nhưng các thiết bị giám sát này thường có kích cỡ lớn, đắt tiền, không dễ di chuyển và cần có nguồn điện để hoạt động.
Để hiểu rõ hơn nguy cơ phơi nhiễm với virus, chuyên gia Krystal Pollitt và các đồng nghiệp muốn phát triển một thiết bị nhỏ hơn, nhẹ hơn, rẻ tiền hơn, có thể mang theo mình và không cần nguồn điện.
Thiết bị xét nghiệm khí thụ động này mang tên Fresh Air Clip, có kích cỡ nhỏ, bằng chất liệu silicone, có thể thu các hạt virus trong hơi nước và phân tích để xác định mức độ phơi nhiễm với SARS-CoV-2 bằng công nghệ PCR.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thiết bị này với virus giả lập tương tự như SARS-CoV-2. Họ phát hiện virus trên bề mặt polymer (PDMS) của thiết bị, chứng tỏ thiết bị này có thể sử dụng để đánh giá mức độ tập trung virus trong không khí một cách đáng tin cậy.
Sau đó, các nhà nghiên cứu phân phối Fresh Air Clip cho 62 tình nguyện viên và giám sát trong 5 ngày. Các phân tích PCR đã phát hiện RNA của virus trên 5 thiết bị: 4 chiếc do các phục vụ tại nhà hàng sử dụng và một chiếc là của người phục vụ tại một nơi tạm trú cho người vô gia cư. Mức tải lượng virus cao nhất (hơn 100 RNA/kẹp) đã được ghi nhận trong hai thiết bị của người phục vụ tại nhà hàng.
Dù Fresh Air Clip chưa được sản xuất phục vụ thương mại, nhưng các kết quả trên cho thấy thiết bị này có thể được dùng như một công cụ đánh giá mức độ phơi nhiễm của một người với virus SARS-CoV-2, cũng như giúp xác định các khu vực có nguy cơ phơi nhiễm cao trong phòng kín.
Theo VietQ