Thứ Năm, 07/11/2024 09:40:01 GMT+7
Lượt xem: 3558

Tin đăng lúc 15-08-2016

Phiên đàm phán thứ 14 của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Sáng nay (15/8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham dự và phát biểu tại khai mạc Phiên đàm phán thứ 14 của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP 14).
Phiên đàm phán thứ 14 của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Trong bài phát biểu bằng tiếng Anh, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò thương mại của Hiệp định RCEP đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện ở khu vực. Bộ trưởng hoan nghênh những kết quả đạt được của đàm phán RCEP cho đến nay và hy vọng các nước tham gia đàm phán tiếp tục thúc đẩy hơn nữa tiến trình này để cùng hướng tới mục tiêu thiết lập sự hợp tác kinh tế toàn diện, sâu sắc hơn giữa ASEAN với các nước đối tác.

 

Hiệp định RCEP được chính thức khởi động đàm phán từ năm 2012, bắt đầu đàm phán từ năm 2013 và khi được hình thành sẽ trở thành khu vực kinh tế rộng lớn với dân số khoảng 3,4 tỷ người (chiếm 50% dân số thế giới), tạo ra 40% tổng giá trị thương mại toàn cầu và 30% tổng GDP toàn thế giới. RCEP sẽ giúp tăng thêm khoảng 644 tỷ USD thu nhập cho toàn khu vực nhờ sự lưu chuyển tự do của dòng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động giữa các nền kinh tế thành viên. RCEP cũng cải thiện đáng kể các FTA ASEAN+1 đã ký kết giữa ASEAN với các đối tác đối thoại, bằng cách tích hợp thành một hiệp định toàn diện và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực. Trong tương lai, RCEP sẽ là chất xúc tác cho các sáng kiến hội nhập khu vực hài hòa hơn. RCEP được nhìn nhận là một trong những con đường hướng đến hình thành một khu vực thương mại tự do ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 

 

Với sự tham gia của 16 nước trong khu vực, RCEP sẽ là một FTA tạo ra khu vực thương mại rộng lớn và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho các nước thành viên, đặc biệt với những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ở Đông Nam Á sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực. RCEP cũng sẽ góp phần thúc đẩy dòng đầu tư từ các quốc gia phát triển hơn sang các quốc gia đang phát triển và cùng hội nhập toàn diện vào các hoạt động kinh tế khu vực.

 

Tại Phiên đàm phán RCEP 14, các nước sẽ thảo luận toàn diện về tất cả các nội dung: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, hợp tác kinh tế kỹ thuật, dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, kiểm dịch và vệ sinh động thực vật, thủ tục tiêu chuẩn chất lượng, trong các phiên họp toàn thể của Ủy ban Đàm phán thương mại, các nhóm công tác/tiểu ban và các phiên họp song phương.

 

 

Phiên đàm phán thứ 14 của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP 14) diễn ra từ ngày 10 -19/8/2016 tại TP.Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ 10 nước thành viên ASEAN (Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), Ban Thư ký ASEAN và 6 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zeland).

 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang