Theo đó, sau quá trình điều tra, DTI kết luận lượng nhập khẩu xi măng đã gia tăng đột biến, là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kỳ điều tra.
Do vậy, để bảo vệ ngành sản xuất nội địa cũng như thúc đẩy ngành sản xuất nội địa tiếp tục phát triển, DTI quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 8,40Php/túi40kg, tương đương 210 pê sô/tấn, quy đổi ra khoảng 4 USD/tấn.
Biện pháp tự vệ tạm thời này có hiệu lực trong 200 ngày dưới hình thức tiền ký quỹ đối với xi măng nhập khẩu.
Trong vụ việc này, sản phẩm bị điều tra là xi măng có mã HS: 2523.2990 và 2523.9000. Thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại là từ 2013 – 2017.
Cơ quan điều tra cho rằng trong giai đoạn 2013 – 2017, lượng xi măng nhập khẩu đã gia tăng đáng kể: tổng lượng xi măng nhập khẩu tăng 70% trong năm 2014; 4,390% năm 2015; 549% năm 2016, 72% năm 2017.
Theo DTI, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 - 2017. Sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán của ngành sản xuất nội địa.
Nguồn Thời báo Kinh doanh