Nỗ lực đem “món mới” đến khán giả
Tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực để đem đến khán giả những “món mới”. Công ty cổ phần Nghe nhìn Thăng Long với thương hiệu hài dân gian mùa phim Tết năm nay trình làng hai tác phẩm “Thói đời” và “Khi Cuội… yêu” do đạo diễn Trung Trần dàn dựng.
“Thói đời” tái hiện bức tranh xã hội phong kiến thời xưa, phóng tác những tiếng cười trong kho tàng dân gian Việt, từ đó phản ánh ước vọng của người dân về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khán giả sẽ được gặp những nghệ sĩ hài kỳ cựu: Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh, Minh Hằng; Nghệ sĩ ưu tú Đức Khuê...
Còn “Khi Cuội… yêu” có ý tưởng đầy mới mẻ: Đưa Cuội từ thời xưa đến thời hiện đại. Dàn diễn viên hài đồng đều, nhiều kinh nghiệm: Nghệ sĩ ưu tú Phú Đôn và Tiến Quang; nghệ sĩ Thanh Tú, Tùng Anh, Thanh Dương…, góp phần làm phim thêm hấp dẫn.
Trong khi đó, đạo diễn Trần Bình Trọng cùng ê kíp lại tiếp nối phần 11 “Đại gia chân đất” về chuyện ông Tích (Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu đóng) và ông Sự (Nghệ sĩ ưu tú Tiến Quang đóng) ngồi ở làng quê nhưng bàn chuyện chính sự ở tận nước Mỹ. Bên cạnh đó, đạo diễn cũng đã thực hiện xong và chuẩn bị phát hành phim “Làng ế vợ” phần 7, chọn lọc những sự kiện “nóng” trong năm 2020 để phóng tác. Ngoài Tiến Lộc với một vai bất ngờ, phim còn có sự tham gia diễn xuất của Nghệ sĩ nhân dân Trần Nhượng, nghệ sĩ Chiến Thắng…
Năm nay, phim Tết chiếu rạp không nhiều, đến thời điểm này mới có 4 phim công bố vào “đường đua”. Đáng chú ý là phim “Trạng Tí phiêu lưu ký” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, khai rạp vào ngày 12-2-2021 (mùng Một Tết Tân Sửu). Phim chuyển thể từ bộ truyện tranh được nhiều thế hệ yêu thích “Thần đồng đất Việt”, kể về cuộc phiêu lưu kỳ thú và cảm động của bộ tứ Tí, Sửu, Dần, Mẹo. Đây cũng là bộ phim Việt hiếm hoi cho thiếu nhi chiếu rạp.
Nghệ sĩ Trấn Thành và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng “bắt tay” thực hiện phim “Bố già” sản xuất từ phiên bản phát hành trên mạng đầu năm 2020, dự định công chiếu dịp Tết Nguyên đán. Có những cái tên “ăn khách” như Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu, Trấn Thành, Lê Giang…, cùng câu chuyện hài hước, đậm tính nhân văn, “Bố già” được dự đoán sẽ hút khán giả.
Tiếp tục sản xuất từ phim đã có “thương hiệu” dịp Tết, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito sẽ mang đến phần 5 phim “Gái già lắm chiêu”. Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, Hồng Vân tiếp tục khẳng định khả năng hóa thân đa dạng bên cạnh dàn diễn viên trẻ cá tính Kaity Nguyễn, Khương Lê. Ngoài ra, phim “Lật mặt 5: 48h” của đạo diễn Lý Hải cũng góp cho “bữa tiệc” điện ảnh năm mới thêm thú vị…
Đậm “chất“ Việt
Năm nay, các đơn vị sản xuất cân nhắc khá kỹ lưỡng về sản xuất phim Tết bởi ít kinh phí, khó huy động lực lượng và e ngại lượng khán giả sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đạo diễn Trần Bình Trọng cho biết: “Vào dịp Tết, khán giả có xu hướng tìm về truyền thống, cội nguồn và cũng mong muốn thưởng thức những bộ phim mang hơi hướng này. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn duy trì làm phim Tết vì muốn đem đến công chúng những sản phẩm văn hóa thuần Việt, tươi vui, mang tính nhân văn, để lại bài học ý nghĩa”. Tham gia đều đặn nhiều mùa phim Tết, Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh mong muốn truyền tải vẻ đẹp quê hương, đất nước, nét duyên dáng, nghĩa tình của người Việt Nam qua các vai diễn.
Tuy nhiên, để đầu tư một bộ phim đậm nét Việt không đơn giản. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: “Tôi luôn cố gắng tìm tòi những câu chuyện thuần Việt để làm phim. Chuyển thể bộ truyện “Thần đồng đất Việt” thành phim là một hành trình đầy phấn khích, nhằm chinh phục cả khán giả nhỏ tuổi và người trưởng thành”. Đoàn làm phim đã dành 645 ngày, thực hiện bối cảnh từ Bắc vào Nam, với ê kíp 478 người, huy động gần 2.000 diễn viên, trong đó có hơn 250 diễn viên “nhí”…
Còn đạo diễn Trung Trần chia sẻ, để làm phim “Thói đời” và “Khi Cuội… yêu”, biên kịch và đạo diễn phải đầu tư kịch bản 6 tháng. Sau khi mời diễn viên, kịch bản lại tiếp tục được chỉnh sửa để “đo ni đóng giày” cho từng người. Mong muốn mang đến tác phẩm chỉn chu, chất lượng cho công chúng, đoàn làm phim đã phải “lặn lội” khắp 5 tỉnh, thành phố để có bối cảnh phù hợp… “Điều tâm đắc nhất trong các bộ phim này là chúng tôi đã lồng những vấn đề thời sự, nổi cộm thời nay vào bối cảnh xưa, vừa đem lại tiếng cười sâu sắc cho khán giả, vừa khéo léo nhắc nhở họ soi lại mình”, đạo diễn Trung Trần nói.
Là người theo dõi điện ảnh nhiều năm, khán giả Phạm Ngọc Hà (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) cho rằng: “Dịp Tết, công chúng có nhu cầu xem phim giải trí cao, đặc biệt những phim hài, vui vẻ, mang đậm “chất” dân gian Việt. Song, khán giả xem phim thuộc nhiều thế hệ, nên mong các nhà làm phim cân nhắc, lược đi những yếu tố không phù hợp với đại chúng”.
Tuy phải vượt qua nhiều thử thách trong bối cảnh khó khăn chung để có phim phục vụ khán giả dịp Tết, nhưng bù lại năm nay, phim Việt ít phải cạnh tranh với phim ngoại, nếu làm hấp dẫn, giàu giá trị, chắc chắn phim Tết sẽ có mùa bội thu.
Theo báo Hà Nội mới