Đây được coi là buổi làm việc chính thức đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ đối với cơ quan mới thành lập này, kể từ tháng 9/2018 theo Nghị quyết số 131/NQ-CP của Chính phủ. Cùng tham dự còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành và tập thể lãnh đạo, cán bộ của Uỷ ban.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người vừa được Thủ tướng Chính phủ phân công trực tiếp chỉ đạo Uỷ ban - đánh giá cao lãnh đạo của Uỷ ban đã cơ bản hoàn thiện tổ chức đảng, đoàn thể và hệ thống bộ máy, đồng thời ban hành 44 quy chế làm việc.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cho rằng những khó khăn trước mắt vẫn còn rất nhiều trong tổ chức hoạt động và công tác quản lý, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Uỷ ban xác định rõ những vướng mắc thời gian qua và yêu cầu đặt ra trong thời gian tới để nhanh chóng khắc phục, góp phần đưa kinh tế- xã hội bứt phá trên mọi lĩnh vực theo yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh, hiện Uỷ ban đã có đủ 50 biên chế của năm 2018, cơ bản được tuyển dụng từ các bộ, ngành, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số rất ít từ các doanh nghiệp.
“Trừ lãnh đạo Uỷ ban thì có 9 đơn vị, mỗi đơn vị chỉ có 7-8 người, có đơn vị có từ 3-4 người, lực lượng rất mỏng, đề nghị các doanh nghiệp, các bộ, ngành giới thiệu nhân sự chuyên môn sâu, đáp ứng các yêu cầu về thẩm định dự án đầu tư”, ông Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ.
Trong năm 2019, Uỷ ban đã thành lập hội đồng tuyển dụng và đề xuất biên chế lên Chính phủ, các bộ, ngành trong tháng 4 để Uỷ ban hoàn thiện bộ máy.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng những khó khăn trên đã có từ trước, đây là việc mà Uỷ ban phải chủ trì, phối hợp với các bộ để tiếp tục xử lý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc Uỷ ban ra đời có nhiều thuận lợi căn bản khi được đề cập tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII, Nghị quyết của Quốc hội giám sát tối cao về cổ phần hoá, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Chương trình hành động của Chính phủ,...
Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có nhiều dự án thua lỗ trong khi Quốc hội không cho phép sử dụng vốn nhà nước để xử lý các tồn đọng này.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Uỷ ban phải quán triệt các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, các Quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước, các văn bản pháp luật, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung đầu tư, sản xuất kinh doanh vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Trước mắt, Uỷ ban quản lý vốn cần tập trung xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành Công Thương, phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc, trong đó tập trung tái cơ cấu toàn diện về tài chính, nhân sự và đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành quan tâm chia sẻ, sẵn sàng hợp tác với Uỷ ban để hoàn thành tốt mục tiêu chung là tổ chức, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nguồn Chinhphu