Sáng 26/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham dự Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hợp tác và phát triển” trong khuôn khổ Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản - Bắc Trung Bộ đang diễn ra tại tỉnh Nghệ An.
Tham dự Hội nghị còn có ông Tô Huy Rứa, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật; ông Kunio Umeda, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp của hai bên.
Trước các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Chính trị của Việt Nam đã ban hành Nghị quyết riêng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An tới năm 2020, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới địa phương này.
Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chính phủ và tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhà đầu tư lớn về hạ tầng khu công nghiệp như: VISIP, WHA Hemaraj, Hoàng Thịnh Đạt, thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước tới sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào Nghệ An chưa nhiều, đặc biệt các nhà đầu tư Nhật Bản mới chỉ đầu tư hơn 70 triệu USD vào Nghệ An so với hàng chục tỷ USD đang đầu tư vào Việt Nam.
“Nhật Bản và Nghệ An có cơ hội, có cơ duyên. Tôi hy vọng sau Hội nghị, chúng ta có những quyết sách rất cụ thể”, Phó Thủ tướng nói.
Để Nghệ An thu hút đầu tư tốt hơn từ Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo và chính quyền tỉnh Nghệ An hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh xây dựng những chính sách, giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Nghệ An - Nhật Bản từ đối ngoại đến thu hút đầu tư, thương mại, du lịch…
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các cấp “nói đi đôi với làm” để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn; cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu…
Các doanh nghiệp trong nước tích cực, đổi mới và sáng tạo hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của các đối tác Nhật Bản, đồng thời đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng hợp tác, kinh doanh tại địa phương.
Nghệ An cần tiếp tục phát huy tốt nội lực, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương trong mối tương quan chung của khu vực, thúc đẩy liên kết với Nhật Bản thông qua tăng cường hợp tác về ODA, thương mại, đầu tư. Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác hai bên đã triển khai, cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược trung hạn, dài hạn để phát triển hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực tiềm năng khác chưa được khai phá.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Nghệ An tập trung kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản nghiên cứu, xúc tiến đầu tư vào tỉnh trên 4 lĩnh vực.
Cụ thể, về công nghiệp: Ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; điện tử viễn thông, sản xuất linh kiện điện thoại, thiết bị y tế, công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện ô tô, lắp ráp ô tô, kim loại nhẹ, dệt may, vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp đồ uống, công nghiệp sinh học, sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phát triển dược liệu và công nghiệp dược.
Về nông nghiệp: Nghệ An ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh; đầu tư phát triển kinh tế biển; chế biến nông, thủy sản; các dự án góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.
Trên lĩnh vực thương mại, du lịch, Nghệ An kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị có quy mô lớn, có thương hiệu; phát triển đồng bộ hiện đại các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ kho vận logistics; khu vui chơi giải trí cao cấp, du lịch sinh thái đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cao cấp.
Về y tế và giáo dục, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng các bệnh viện: Ung bướu, lão khoa, bệnh viện tư nhân chuyên khoa và đa khoa tại các huyện có đông dân số; nhà máy xử lý rác thải y tế quy mô tập trung; đồng thời đầu tư phát triển các trường đại học trọng điểm, các trường trung học phổ thông chất lượng cao, trung tâm đào tạo nghề tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Tetsu Funayama, Chủ tịch Công ty Mitsubishi Corporation Việt Nam cho rằng có 3 chỉ số mà Nghệ An cần cải thiện nằm thu hút đầu tư hơn nữa, đó là chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số tiếp cận đất đai và chỉ số chi phí thời gian, bởi nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục giấy tờ còn phức tạp, số giờ là việc với thanh tra, kiểm toán còn cao.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông mong tỉnh đơn giản hóa thủ tục hơn, tối ưu hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra. Việc cải thiện chỉ số PCI không chỉ là chìa khóa cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn giúp các doanh nghiệp có môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với Nghệ An.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhìn nhận mối quan hệ giữa Nghệ An và Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ và còn nhiều cơ hội để tiếp tục đào sâu hơn mối quan hệ. Đại sứ mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản nỗ lực hơn trong đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh và Nghệ An tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình phát triển.
“Nghệ An đang rất thuận lợi trong việc phát triển hệ thống giao thông gồm các tuyến cao tốc, kết nối sang Lào và các nước, Chính phủ Nhật Bản mong muốn tiếp tục nỗ lực hơn để tạo điều kiện cho Nghệ An phát huy thế mạnh này cũng như phát huy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh”, Đại sứ Kunio Umeda nói.
Theo Báo Chính Phủ