Đó là đánh giá tổng quát về Năm APEC 2017 của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 trong bài viết “Năm APEC 2017: Dấu ấn và vị thế mới của Việt Nam”. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này.
Chúng ta bước vào đăng cai tổ chức các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 (Năm APEC 2017) trong bối cảnh thế giới, khu vực rất phức tạp. APEC đang trong giai đoạn phát triển then chốt, chuẩn bị hoàn tất các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020 và chuẩn bị cho việc xây dựng tầm nhìn sau năm 2020.
Bên cạnh những vận hội và cơ hội lớn, khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm qua phải đối phó với những thách thức gay gắt. Chủ nghĩa bảo hộ và tâm lý chống toàn cầu hoá gia tăng, tăng trưởng toàn cầu trung và dài hạn gặp nhiều rủi ro, tình hình chính trị nội bộ của nhiều thành viên APEC và cọ sát giữa các nước lớn phức tạp. Những nhân tố này trực tiếp thách thức vai trò của APEC với tư cách là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực về thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế. Đồng thời, đặt ra khó khăn nhất định cho công tác đăng cai, chủ trì, điều hành Năm APEC 2017 của Việt Nam.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta có thể vui mừng và tự hào khẳng định rằng Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Việt Nam, đã thành công tốt đẹp.
Với Năm APEC 2017 thành công, chúng ta đã thực sự triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng về "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" với tư cách là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, qua đó "nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương".
Là chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam đã dẫn dắt APEC tiếp tục đi đúng hướng, duy trì đà hợp tác và khẳng định những giá trị cốt lõi của APEC về tự do hoá thương mại và đầu tư, phát huy thành tựu hợp tác APEC, xác lập những định hướng hợp tác của APEC trên các lĩnh vực thiết thực với người dân và doanh nghiệp.
Với vai trò chủ nhà và chủ trì các hội nghị của APEC, chúng ta cũng đã thành công trong việc điều hòa những khác biệt về lập trường của các nền kinh tế, đôi lúc hết sức gay gắt, để đi đến đồng thuận chung về nhiều vấn đề quan trọng của APEC và tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến quan trọng, định hình hợp tác của APEC trong tương lai, phù hợp với lợi ích của ta, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích và xu thế chung của khu vực và quốc tế, qua đó đạt được sự ủng hộ, nhất trí cao của các nền kinh tế APEC.
Việt Nam đã tranh thủ tối đa cơ hội APEC 2017 để làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác. Nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi với lãnh đạo tất cả các đối tác trong APEC.
Cũng nhân dịp này, chúng ta đã tổ chức 4 chuyến thăm song phương quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada. Đây là những chuyến thăm đem lại kết quả cụ thể, thúc đẩy hợp tác thực chất với các nước này.
Với Trung Quốc, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX. Với Hoa Kỳ, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên, trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của một Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam. Với Canada, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện với nhiều thỏa thuận quan trọng trên các lĩnh vực.
APEC 2017 cũng là cơ hội phát triển, quảng bá vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, người dân, với hàng trăm hoạt động, sự kiện của Năm APEC 2017 đã được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, sự kiện 2.100 doanh nghiệp tham gia Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, cùng hơn 80 hoạt động kết nối thương mại, đầu tư giữa địa phương với doanh nghiệp APEC cho thấy nỗ lực, sự năng động của các bộ ngành, doanh nghiệp của chúng ta và sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế và khu vực với Việt Nam.
Chúng ta đã bảo đảm an toàn tuyệt đối tại tất cả các tỉnh thành tổ chức hội nghị, đặc biệt tại Tuần lễ Cấp cao ở Đà Nẵng, về an ninh, y tế, cơ sở vật chất, thể hiện rõ hình ảnh Việt Nam là đất nước hòa bình, ổn định, an toàn.
APEC 2017 đã nâng cao rõ rệt vị thế quốc tế của Việt Nam. Qua việc chúng ta đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, điều phối và điều hành các hoạt động của APEC, cũng như qua việc tận mắt chứng kiến những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam, các đối tác thực sự đánh giá cao, tin tưởng vào vai trò, vị thế của Việt Nam, và có cách nhìn mới về một đất nước Việt Nam năng động, bản lĩnh, hội nhập và sáng tạo. Đây là tiền đề để chúng ta tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước với những chủ trương và biện pháp hội nhập quốc tế tích cực, chủ động và sâu rộng hơn.
Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao APEC đạt được những thành tựu nêu trên trước hết là nhờ vị thế quốc tế và những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam sau hơn 30 năm Đổi mới, nhờ việc triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng trong thời gian qua và sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Bộ Chính trị đã sớm ra quyết sách mang tính chiến lược về việc đăng cai chủ nhà APEC 2017, lựa chọn địa điểm, chủ đề và ưu tiên của Năm APEC. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thường xuyên cập nhật tình hình, theo dõi sát và chỉ đạo quá trình chuẩn bị và tổ chức APEC, đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo đảm thành công của APEC 2017, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của năm 2017 mà còn của cả nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII. Đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ đã chỉ đạo và tham gia các hoạt động quan trọng trong Năm APEC 2017.
Được thành lập ngày 21/7/2015, Ủy ban Quốc gia APEC 2017, bao gồm 5 tiểu ban đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, kiên trì bám sát các trọng tâm công tác đã được đề ra, xây dựng và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về nội dung, lễ tân, hậu cần, tuyên truyền và văn hóa, an ninh- y tế.
Thành công này có được còn xuất phát từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, từ rất sớm, sự chung sức đồng lòng của các bộ, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân trong 3 năm qua cho công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai.
Năm APEC 2017 cũng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ các cấp, từ Trung ương tới địa phương và sự lớn mạnh, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sự ủng hộ của người dân Việt Nam ở các tỉnh thành tổ chức hội nghị và đặc biệt tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đã tích cực tham gia vào các hoạt động chuẩn bị, tổ chức, thể hiện văn hoá hội nhập, mến khách và thân thiện.
Thành công của APEC 2017 để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Đó trước hết là bài học “độc lập, tự chủ” và “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong quá trình điều phối, điều hành APEC trong năm 2017, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại... Tuy nhiên, chúng ta đã kiên định mục tiêu đề ra, đồng thời khéo léo, linh hoạt xử lý các khác biệt, qua đó đạt đồng thuận chung.
Đó còn là bài học về huy động sức dân. Năm APEC 2017 chứng kiến sự ủng hộ và tham gia mạnh mẽ chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân Việt Nam, với lòng tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì hình ảnh đất nước, vì thành công chung của APEC 2017.
Đó còn là bài học “hội nhập để phát triển”. Qua APEC 2017, các cơ quan, tổ chức, các địa phương, doanh nghiệp và người dân đã có sự cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chủ trương hội nhập quốc tế đối với sự phát triển của chính mình, qua đó chủ động hơn cho việc tham gia vào tiến trình đó trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Năm APEC 2017 đã thành công nhưng trong thời gian tới chúng ta còn nhiều việc cần làm. Đó là tổng kết, đánh giá những kết quả, kinh nghiệm và bài học trên đây của Năm APEC 2017, để tạo đà vững chắc cho những bước đi tiếp theo trên con đường hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó có việc nâng tầm đối ngoại đa phương./.
Nguồn Chinhphu