Thứ Hai, 28/04/2025 02:28:31 GMT+7
Lượt xem: 156

Tin đăng lúc 08-03-2025

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị đánh giá đúng thực trạng tình hình thị trường lúa gạo

Trước tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đối mặt nhiều thách thức, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đưa ra những gợi ý cùng lãnh đạo các bộ ngành, hiệp hội ngành gạo để tìm giải pháp bảo vệ lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp sản xuất lúa gạo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị đánh giá đúng thực trạng tình hình thị trường lúa gạo
Theo các chuyên gia, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian gần đây đối mặt nhiều thách thức và dự báo còn tiếp diễn

Tại Hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo; phòng chống hạn mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức ngày 7/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo. Do đó, về lâu dài, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cần đề xuất thêm những chính sách, giải pháp khoa học, đồng bộ, dài hơi nhằm tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất lúa gạo khi có biến động của thị trường xuất khẩu, bảo vệ ngành lúa gạo, giúp người nông dân tiếp tục gắn bó với nông nghiệp.

 

"Chúng ta cần thay đổi tư duy, thiết lập công cụ theo dõi, cập nhật, dự báo thị trường, biến động thời tiết, khí hậu, làm căn cứ điều chỉnh, quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, không để bị động", Phó Thủ tướng nói, đồng thời ông cho rằng, người nông dân làm nông nghiệp ở đâu cũng rất vất vả và chịu rủi ro lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết. Câu chuyện này đã kéo dài nên phải đưa ra ngay một số giải pháp trước mắt; làm sao để người nông dân khi đã đầu tư sản xuất trong bối cảnh thị trường khó khăn thì Nhà nước có cơ chế, chính sách để hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cần có đánh giá rõ ràng và cụ thể về giá cả lúa gạo hiện nay trên thị trường thế giới và trong nước, các nơi nước ta xuất khẩu và các nhà xuất khẩu đang cạnh tranh với ta như Ấn Độ, Thái Lan.

 

"Chúng ta cần thay đổi tư duy, thiết lập công cụ theo dõi, cập nhật, dự báo thị trường, biến động thời tiết, khí hậu, làm căn cứ điều chỉnh, quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, không để bị động", Phó Thủ tướng nói.

 

Phân tích về thị trường lúa gạo hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy nói rằng, hàng tháng thì cơ quan chuyên môn đều tính toán được tổng số lượng lúa gạo có được tại vùng ĐBSCL là bao nhiêu, trong đó ngoài lượng gạo cần xuất khẩu thì lượng lúa gạo tiêu thụ trong nước cần có kế hoạch thu mua tạm trữ cụ thể để hạn chế thiệt hại cho nông dân, nhất là trước diễn biến thị trường tiêu thụ hiện nay thì công tác thu mua tạm trữ là nhiệm vụ quan trọng.

 

"Do đó, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lúa gạo trong nước có thể chủ động đăng ký với các địa phương có vùng lúa nguyên liệu về số lượng có thể mua tạm trữ lúa cho nông dân, từ đó giúp công tác điều tiết và tiêu thụ mặt hàng lúa gạo được thuận lợi hơn trong thời gian tới", Bộ Trưởng nói.

 

Trước đó, nói về tình hình giá lúa gạo đang ở mức thấp như hiện nay, ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long, đề xuất: Các ngành có liên quan của Trung ương và địa phương cần có những chính sách ưu đãi hơn để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có điều kiện hỗ trợ người nông dân trong việc thu mua và tạm trữ nguồn hàng lúa gạo trước thị trường nhiều biến động có bất lợi cho doanh nghiệp và người trồng lúa như hiện nay.

 

Bên cạnh đó, ông Linh kiến nghị các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường khuyến khích nông dân sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao như đề án 1 triệu héc-ta của Chính phủ gắn với tăng cường sử dụng giống lúa thơm, lúa cao sản theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản,… từ đó hạn chế tình trạng phụ thuộc lớn vào một vài thị trường, khi có biến động về cung vượt cầu như hiện nay thì dễ bị ép giá thấp cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

 

Theo Bộ NN&MT, diện tích sản xuất lúa năm 2025 dự kiến đạt 7 triệu ha, giảm 132.000 ha so với năm 2024. Trong đó, sản lượng lúa khu vực ĐBSCL năm 2025 dự kiến đạt hơn 24 triệu tấn với diện tích dự kiến là 3,79 triệu ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2024-2025 dự kiến sản lượng đạt gần 10,8 triệu tấn trên diện tích 1,5 triệu ha. Tính đến hết tháng 2-2025, sản lượng lúa đã thu hoạch của vùng ĐBSCL đạt gần 4,2 triệu tấn; dự kiến sản lượng còn lại hơn 6,5 triệu tấn. Quy mô diện tích sản xuất lúa gạo có giảm nhưng năng suất tăng nên sản lượng không có nhiều biến động.

 

Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1,1 triệu tấn (tăng 5,9%), giá trị đạt 613 triệu USD (giảm 13,6%). Giá gạo xuất khẩu trung bình ước đạt 553,6 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ. Đầu tháng 3-2025, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh ở mức: gạo 100% tấm 310 USD/tấn; gạo 5% tấm 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 367 USD/tấn. Philippines, Bờ Biển Ngà và Gana là 3 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

 

Bộ này cũng lý giải, giá gạo giảm do nguồn cung gạo thế giới tăng tạo áp lực lên thị trường toàn cầu; nhu cầu nhập khẩu giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn hạn; Ấn Độ kết thúc lệnh cấm xuất khẩu gạo và quay lại thị trường xuất khẩu với sản lượng dồi dào...

 

Theo vnbusiness.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang