Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng cho biết, Việt Nam đánh giá cao Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, trong đó xác định Việt Nam là một đối tác trọng tâm. Việt Nam cũng coi trọng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, cách đây gần 900 năm, Hoàng tử Lý Long Tường của Việt Nam đã đặt chân đến bán đảo Triều Tiên, đặt nền móng cho sự bang giao giữa hai dân tộc. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, với tâm thế hướng tới tương lai, ngày nay, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và tin cậy chính trị được tăng cường. Hàn Quốc ngày nay là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam.” Phó Thủ tướng chia sẻ.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp quốc tế và Hàn Quốc có thể thấy Việt Nam luôn giữ vững ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô và là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tốc độ tăng GDP cao 6,5-7% trong 10 năm qua, riêng trong 2018, GDP đạt gần 7,1%/năm, năm 2019 dự kiến đạt trên 6,8%, thu nhập GDP bình quân của 95 triệu dân đạt 2600 USD (theo PPP đạt 7600 USD). Xuất khẩu 2018, đạt 480 tỷ USD, năm 2019 sẽ đạt khoảng 520 tỷ USD. Việt Nam hiện có hơn 29 nghìn doanh nghiệp FDI từ 132 quốc gia đang đầu tư kinh doanh với tổng vốn cam kết trên 357 tỷ USD. Nhiều tập đoàn quốc tế lớn Hàn Quốc đang kinh doanh thành công như Samsung, LG, Huyndai, Lotte…
Trong xu thế lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số. Theo nghiên cứu của Google/Temasek, giá trị của Kinh tế số của Việt Nam, năm 2015, đạt 3 tỷ USD, năm 2018 tăng 3 lần lên 9 tỷ USD và dự báo đạt 30 tỷ USD năm 2025. Việt Nam đứng vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới. Việt Nam có thể tăng GDP thêm 162 tỷ USD trong 20 năm nếu chuyển đối số thành công.
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hàn Quốc đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế có sức sáng tạo cao, theo Tổ chức sở hữu trí tuệ WIPO, chỉ số đối mới sáng tạo (GII), năm 2018 Việt Nam xếp hạng 45/126. Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đang phát triển và thu hút nhiều quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Chúng tôi có các đại diện ưu tú trong lĩnh vực công nghệ đang từng bước vươn ra thế giới như Viettel, FPT, VNPT, Vinamilk, Vinsmart... Việt Nam là nước có lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong khối ASEAN với đào tạo cơ bản, cần cù, kỹ năng tốt, có năng lực tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật công nghệ.
“Bên cạnh những thành tựu kể trên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để vươn lên trở thành nước công nghiệp vào 2030. Chúng tôi đã đề ra nhiều chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 với trọng tâm về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia... Theo đó, Việt Nam đã khởi động Chương trình “Make in Vietnam 4.0” và trân trọng đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc: “Hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 tại Việt Nam” - Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng cở mở đề nghị.
Phó Thủ tướng cho biết: Tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác năng động sáng tạo của các doanh nghiệp hai nước.
“Tương lai phát triển của hai nước dựa vào sự bắt tay giữa các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển. Tôi muốn khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, kinh doanh thành công.” - Một lần nữa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định lại sự hỗ trợ của Việt Nam đối với doanh nghiệp Hàn Quốc.
Theo Enternews