Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã chia sẻ như vậy tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế lớn nhất trong năm 2018.
Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên 4.0 mang tính đột phá
Dù vẫn biết nền kinh tế dễ bị “tổn thương”, nhưng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính từ sự tổn thương này lại là một lợi thế. Vì khi bị tổn thương thì bản thân phải tự biết cách bảo vệ mình. Phó Thủ tướng nhận định, chúng ta không thể nói rủi ro sẽ ngày càng ít đi, mà trái lại sẽ ngày càng tăng lên.
Nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên 4.0 mang tính đột phá, thậm chí phá hủy những mô hình kinh doanh, thanh toán cũ không còn phù hợp. Nhiều cuộc cách mạng như cách mạng điện tử, kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới… ngày càng phổ biến hơn và đi kèm với nó là những rủi ro liên quan đến chủ quyền số, an ninh mạng và những vấn đề rủi ro phi truyền thống.
Bên cạnh đó, là những thể chế đa phương đang gặp khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi mang tính bước ngoặt. Một số khuôn khổ luật chơi đang được điều chỉnh và định hình lại. G20 gần đây đã có thông điệp về việc cần thiết phải có sự cải tổ lại WTO, G20 ủng hộ thương mại đa phương nhưng trên cơ sở nhìn nhận xem xét để cải cách. Các định chế tài chính khác như WB, IMF… cũng có yêu cầu về một sự cải cách.
Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ và những rủi ro như nợ công, tỷ giá, lãi suất trung, dài hạn tăng lên, cùng những căng thẳng về địa chính trị, xung đột đang tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của OECD kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 3% và 5% vào năm 2018 và 2019, còn IMF đưa ra kịch bản xấu nhất GDP toàn cầu có thể giảm đến 0,5%.
Dù khó khăn như vậy, nhưng Phó Thủ tướng đánh giá cũng có những mặt thuận lợi, như 10 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, dự kiến năm 2018 khoảng 3,7% như dự báo của IMF. Đồng thời thế giới cũng đang bước vào thời kỳ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, sáng tạo và bao trùm với mô hình kinh tế xanh, kinh tế trí thức, kinh tế số… Đáng chú ý, Việt Nam là nước được đánh giá hội tụ nhiều thuận lợi để có thể hiện thực hóa những cơ hội to lớn này.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, cục diện đa phương, đa trung tâm, đa tầng lớp tiếp tục được thúc đẩy bởi nhiều quốc gia với nhiều sáng kiến. Cùng với đó là các nền kinh tế mới nổi tiếp tục vươn lên, các thiết chế khu vực gia tăng vai trò là những tập hợp chủ thể hợp tác đa phương như EU, ASEAN, APEC, CPTPP; các cơ chế đa phương, khu vực và tiểu vùng như ASEAN, APEC, các khuôn khổ hợp tác Mê Kông và liên khu vực như ASEM… tiếp tục phát triển. Các diễn đàn như G20, G7, BRIC vẫn đóng vai trò quan trọng trong quản trị toàn cầu. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, đây cũng là khu vực nhận được sự quan tâm của nhiều nước lớn. Trong bối cảnh đó, ASEAN đạt được một số tiến bộ trong tiến trình xây dựng cộng đồng, mặc dù còn nhiều khó khăn, song ASEAN vẫn giữ được vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực và được các nước coi trọng.
“Việt Nam chắc chắn phải đi cùng các quốc gia khác. Hợp tác với các quốc gia trong dòng chảy kinh tế, thương mại đa phương trong thế giới cân bằng vẫn là xu thế chủ đạo” - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định.
“Như vậy, bên cạnh những khó khăn thì chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm thuận lợi căn bản”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong hoàn cảnh đó, Phó Thủ tướng dẫn lại lời Hồ Chủ tịch “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thế giới có những diễn biến chúng ta không thể kiểm soát, vấn đề là lấy “dĩ bất biến” để đối phó “ứng vạn biến”. Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, thậm chí ở mức thế giới phải chuyển từ ngạc nhiên đến kinh ngạc.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần chủ động hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ với khát vọng nâng cao sức mạnh quốc gia. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới để tăng cường nội lực, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều “gen” mang tố chất Việt Nam.
Thực hiện 3 đột phá chiến lược với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam hội nhập và phát triển. Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định vị đất nước ở vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước.
Chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay và những năm tới là tìm kiếm động lực mới cho phát triển gắn với 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh, thương mại điện tử, logistic, y tế du lịch chất lượng cao… Phát triển những lĩnh vực này không chỉ đem đến nhiều việc làm mà còn tạo ra nhu cầu cho đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Xây dựng chính phủ điện tử, dữ liệu quốc gia, thử nghiệm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối ví điện tử với tài khoản ngân hàng, viễn thông…là những vấn đề thời sự đang đặt trên bàn của Chính phủ và Thủ tướng để xem xét trong giai đoạn tới.
Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa để góp phần xây dựng một trật tự quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định, dựa trên pháp luật quốc tế. Chủ động và có biện pháp thích ứng với những tác động đa chiều từ cuộc chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. Chú trọng mở rộng các hoạt động xuất khẩu và thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài chất lượng cao, đi đôi với nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với các tác động từ bên ngoài.
Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, trong đó doanh nghiệp doanh nhân là lực lượng đi đầu. Doanh nghiệp cần chủ động và sáng tạo, nhưng một doanh nghiệp không thể làm được mà phải dựa vào cộng đồng doanh nghiệp, vai trò hiệp hội ngân hàng cần phải được nâng cao hơn nữa.
Xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ thời kỳ hội nhập theo hướng chuyên nghiệp, bản lĩnh, có trình độ chuyên môn. Mọi sự hợp tác, hỗ trợ từ bạn bè quốc tế trong lĩnh vực nâng cao năng lực đều được hoan nghênh. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương là giải pháp then chốt giúp chúng ta tranh thủ cơ hội và hóa giải thách thức trong quá trình hội nhập. Đồng thời, nâng cao năng lực và nhận thức của các doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách.
Nguồn VietQ