Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại công văn số 703/VPCP-ĐMDN ngày 24/1/2017 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước báo cáo về việc DN đã cổ phần hóa đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đến ngày 31/12/2016.
Theo Bộ Tài chính, tới ngày 4/4/2017 đã có 14 bộ, 41 địa phương, 29 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Tổng hợp các báo cáo này, Bộ Tài chính xác định có 578 DN đã cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán và gửi báo cáo số 4601/BTC-TCDN và danh sách này tới lãnh đạo Chính phủ.
Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty có tên trong danh sách chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu DN khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo đúng Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính công khai danh sách 578 DN này trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp đầy đủ danh sách các DN đã cổ phần hóa còn lại nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán tính đến ngày 31/12/2016, trong đó tách riêng số lượng, danh sách DN đủ điều kiện nhưng không niêm yết để báo cáo Thủ tướng.
Trong danh sách 578 DN cổ phần hóa chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết có 301 DN chưa đăng ký giao dịch, 205 DN chưa đủ điều kiện đăng ký niêm yết và 72 DN đủ điều kiện đăng ký niêm yết nhưng chưa thực hiện niêm yết.
Với các công ty con của Tập đoàn EVN và TKV thì nguyên nhân phổ biến là không đủ điều kiện về số lượng cổ đông. Các công ty con của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thì chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Với các DN chưa đủ điều kiện niêm yết, tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP, công ty mẹ có tỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền kề trước năm 2015 là dưới 5%, còn Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài đã đủ điều kiện đăng ký niêm yết nhưng chưa niêm yết vì Đại hội cổ đông thông qua việc đăng ký giao dịch Upcom, còn việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp…
Việc DN cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ gây ra nhiều tiêu cực tới thị trường như phát sinh tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng. Có trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết trong khi theo quy định không được phép chuyển nhượng.
DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn còn khiến việc đấu giá cổ phần của DNNN cổ phần hóa trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là đối với thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước. Ngoài ra, còn ảnh hưởng xấu đến mức độ thành công của các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng do số lượng nhà đầu tư tham gia thấp, giá đấu thành công thấp. Đối với bản thân DN, chậm giao dịch, niêm yết sẽ không minh bạch được tình hình tài chính và không có cơ chế giám sát hiệu quả việc quản tri và hoạt động của DN.
Để xử lý việc chậm trễ này, Nghị định 145/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/12/2016 quy định phạt tiền từ mức thấp nhất là 10-30 triệu đồng đối với hành vi chậm đăng ký giao dịch, niêm yết đến 1 tháng và cao nhất là 300-400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng.
Nguồn Báo Chính Phủ