Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Toạ đàm Văn hoá doanh nghiệp, với sự tham gia của TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT&DL; Viện trưởng Viện Văn hóa Dương Thị Liễu, doanh nhân Bạch Thăng Long – Phó Tổng Giám đốc TCT May 10 cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn...
Tháng 5-2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Đây cũng là sáu cánh sao trên tấm huy hiệu đúc bằng vàng, là biểu trưng của danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Các quy tắc này được xây dựng dựa trên các giá trị truyền thống của dân tộc, kết hợp với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của giới doanh nhân quốc tế.
Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.
TCT May 10 được đánh giá là đơn vị đã thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, có thành tích xuất sắc hưởng ứng cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trong nhiều năm qua, May 10 luôn làm tốt chuẩn mực quản lý môi trường, thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh; tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách của Nhà nước, đóng góp từ thiện, hỗ trợ phát triển cộng đồng cũng như có chính sách ưu tiên sử dụng nhân sự, nguyên liệu, sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam. Mặc dù thị trường nhiều biến động thăng trầm, TCT May 10 vẫn luôn là lá cờ đầu thi đua sáng tạo và lao động sản xuất kinh doanh của ngành Dệt May Việt Nam, đóng góp lớn vào nền kinh tế nước nhà, lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Năm 2021 đã được tôn vinh Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh.
Tại buổi tọa đàm, ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc TCT May 10 chia sẻ: Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của Văn hóa doanh nghiệp được hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp, không đơn thuần chỉ là văn hóa giao tiếp mà còn bao gồm cả giá trị cốt lõi, các quy tắc, phong cách quản lý, phương thức kinh doanh và hành vi, thái độ của mọi thành viên thuộc doanh nghiệp. Các thế hệ lãnh đạo May 10 luôn đầu tư công sức, trí tuệ cho việc xây dựng “Văn hóa May 10”. 76 năm qua, các thế hệ May 10 không chỉ đóng góp một số lượng lớn của cải vật chất cho xã hội mà còn tạo nên nhiều truyền thống tốt đẹp mang đậm tính văn hóa và tinh thần dân tộc. Không ít giá trị văn hóa đặc trưng của May 10 đang bắt đầu được lan tỏa trong cộng đồng và xã hội; giúp May 10 khẳng định được vị thế và là động lực để phát triển bền vững, tiếp tục hướng tới những mục tiêu to lớn hơn cả trong sản xuất - kinh doanh, cả về đời sống văn hoá tinh thần.
Văn hóa doanh nghiệp có thể xuất phát từ truyền thống, sự kiện ra đời đầy kỷ niệm của một đơn vị. Sau đó, các thế hệ người lao động cùng trân trọng, phát huy những điểm mạnh, cùng nhau vượt qua thách thức rồi xác lập nên bản sắc riêng, nét văn hóa trong ứng xử và lao động của đơn vị mình. Nhìn chung, tính tự giác, lao động có trách nhiệm và tinh thần đoàn kết là những yếu tố quan trọng nhất để tạo dựng, nhân lên sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp…
Xây dựng văn hóa kinh doanh cần bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây vừa là nhiệm vụ có tầm chiến lược, vừa là vấn đề cấp bách của giới doanh nhân Việt Nam. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và hấp dẫn. Văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.
PV