Để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân và giảm bớt tụ tập đông người, một nhóm hành động cũng được doanh nghiệp cung ứng triển khai. Điển hình như việc nhiều siêu thị ở Hà Nội đã kích hoạt chương trình bán hàng qua điện thoại, app.
Chiều 15.3, đại diện Sài Gòn Co.op cho biết, toàn bộ các hệ thống gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile sẽ tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại từ ngày 16.3.
Theo đó, các siêu thị sẽ gửi đến tận nhà người tiêu dùng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm (thực phẩm tươi sống; thực phẩm công nghệ thiết yếu; hóa phẩm). Người tiêu dùng chọn lựa và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua Zalo, Viber, tin nhắn...).
“Các chi nhánh Saigon Co.op ở Hà Nội như Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.op Food mở cửa đến 23h hàng ngày theo chỉ đạo của Chính phủ. Saigon Co.op cũng ghi nhận đơn đặt hàng qua điện thoại tăng cao, có nơi gấp 10 lần so với tháng bình thường." đại diện Sài Gòn Co.op khẳng định.
Đơn vị này cho biết thêm, tất cả điểm bán của Sài Gòn Co.op đều triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh, diệt khuẩn tại các điểm bán và khu vực kinh doanh như tổng vệ sinh tất cả khu vực, trang thiết bị dụng cụ, nền nhà, tay nắm cửa, xe đẩy, xe vận chuyển hàng hóa và bề mặt các đồ vật bằng các dung dịch khử khuẩn.
Tương tự, Big C vừa kích hoạt áp dụng dịch vụ đặt hàng qua số hotline. Mua hàng có hóa đơn từ 200.000 đồng sẽ được giao miễn phí trong phạm vi 10km.
VinMart, VinMart+ cũng đang bán các gói hàng nhu yếu phẩm theo hai cách mua tại cửa hàng, hoặc gọi nhân viên giao tới nhà. Hệ thống siêu thị Lotte Mart, thay vì gọi điện thoại, khách hàng sẽ được đặt hàng qua ứng dụng Speed L, thanh toán tiền mặt khi giao hàng hoặc qua thẻ, ví điện tử.
Các siêu thị đều cho biết đã tăng hàng trữ hơn 40% so với ngày thường. Họ liên tục họp với nhà cung ứng để đảm bảo đủ nguồn hàng, tăng công suất sản xuất các nhu yếu phẩm cần thiết.
Theo Bộ Công Thương, nguồn cung thực phẩm thiết yếu vẫn ổn định. Riêng sản lượng thóc năm 2020 ước tính đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn.
“Với sản lượng như vậy, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước vẫn dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo” - ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định.
Theo Báo Lao Động