Thứ Sáu, 22/11/2024 12:34:11 GMT+7
Lượt xem: 5013

Tin đăng lúc 31-10-2016

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong: Tăng cường các giải pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo lớp người mới

Mặc dù cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, cùng với những hạn chế về năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức, giáo viên, trong đó chủ yếu là đội ngũ giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ, Chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân trong huyện, những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) huyện Cao Phong đã có nhiều chuyển biến.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong: Tăng cường các giải pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo lớp người mới
Lãnh đạo Huyện chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giáo viên Trường THCS thị trấn

Cùng với công tác tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, các Kế hoạch, Chương trình hành động của tỉnh Hòa Bình và Huyện ủy Cao Phong về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, Phòng GD-ĐT huyện Cao Phong đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là công tác nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng chuyên môn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đẩy mạnh các phong trào thi đua, khen thưởng.

 

Năm học 2016-2017, trên địa bàn huyện có 37 đơn vị nhà trường (gồm 14 trường mầm non, với 139 nhóm lớp, 3.698 học sinh; 10 trường tiểu học, 140 lớp và 2.946 học sinh; 10 trường trung học cơ sở (THCS) với 70 lớp và 1.843 học sinh; 03 trường (02 tiểu học và 01 THCS), với 36 lớp và 1.116 học sinh. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, Phòng GD-ĐT đã chủ động đề xuất, tham mưu với UBND huyện về công tác quy hoạch phát triển, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ đúng quy trình, quy định và phù hợp với năng lực lãnh đạo và từng cá nhân. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thày, cô giáo; tổ chức các hội thi, kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện tham gia đầy đủ các kỳ thi của tỉnh; tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng giáo viên, đồng thời lựa chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên đi học các lớp đạt chuẩn, vượt chuẩn, nhằm bổ sung lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong những năm tới. Bên cạnh đó, Phòng đã và đang tích cực triển khai lộ trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa lớp học, các phòng bộ môn, phòng chức năng, công trình vệ sinh nước sạch; rà soát bổ sung thiết bị dạy học, máy tính, máy chiếu phục vụ dạy và học của thầy, cô giáo và học sinh. 

 

 

Ông Phạm Ngọc Nhất - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong, Hòa Bình

 

Đặc biệt, những năm gần đây, công tác thi đua khen thưởng được Phòng GD-ĐT quan tâm, duy trì và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Với đội ngũ gồm 10 cán bộ lãnh đạo, chuyên viên (cấp Phòng) cùng 1.015 cán bộ, giáo viên các trường trong huyện, Phòng đã chú trọng tổ chức các khối thi đua cho phù hợp với đặc trưng của mỗi cấp học, đồng thời, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc các lĩnh vực công tác. Hàng năm, Phòng phối hợp với Hội Khuyến học huyện quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp GD-ĐT, trao thưởng cho cán bộ, giáo viên, học sinh có thành tích cao trong năm học và hỗ trợ các mô hình khuyến học phát triển, xây dựng xã hội học tập… Một trong những giải pháp được coi là bước đột phá trong công tác này chính là Phòng GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng cho các khối trường mầm non, tiểu học và THCS; quy định cụ thể các tiêu chuẩn, xếp hạng, bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng riêng đối với ngành GD-ĐT, đảm bảo đúng nguyên tắc, sát với thực tế và có tính khả thi cao, trở thành động lực thúc đẩy các cơ sở GD-ĐT trong toàn huyện phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc các tiêu chí, thang điểm theo quy định, nhằm đánh giá, xếp loại thi đua khách quan, đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành. Nhờ vậy mà huyện Cao Phong được đánh giá là địa phương có phong trào thi đua sâu rộng, hiệu quả, nổi bật là các phong trào: “Dạy tốt, họ tốt”; “Thực hiện kỷ cương nền nếp, đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục”; Cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”; Thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp và không có tệ nạn xã hội”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…, chào mừng 130 năm ngày thành lập tỉnh Hòa Bình, 25 năm tái lập tỉnh và 15 năm thành lập huyện Cao Phong.

 

Nhờ tăng cường các giải pháp đồng bộ, nên công tác GD-ĐT ở Cao Phong năm học 2015-2016 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Quy mô trường, lớp tiếp tục phát triển và ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong huyện; Công tác quy hoạch trường, lớp đảm bảo kế hoạch; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được củng cố, kiện toàn và tăng cường cả số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn đổi mới... Nổi bật là chất lượng dạy và học với hàng trăm lượt thầy, cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện các bậc mầm non, tiểu học và THCS. Nhiều thầy, cô giáo đã đạt giải Nhất, Nhì, Ba các Hội thi “Giáo viên dạy giỏi”, “Cán bộ quản lý giỏi” cấp tỉnh, cấp huyện; hàng trăm em học sinh và các cháu mầm non đạt giải cao trong các Hội thi năng khiếu dành cho các môn tiếng Việt, Toán, tiếng Anh; Giao lưu Olymipic; Hội thi “Bé khỏe măng non”; “Thi tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông” và nhiều giải thưởng trong các hoạt động văn hóa, thể thao khác. Ghi nhận thành tích trong giảng dạy và học tập, Phòng GD-ĐT đã phối hợp tổ chức vinh danh và khen thưởng cho 44 tập thể và 323 cá nhân, với tổng số tiền là hơn 120 triệu đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh Hòa Bình đã tặng Bằng khen cho 03 tập thể khối mầm non, tiểu học và THCS và 04 cá nhân; 05 tập thể được nhận danh hiệu: “Lao động xuất sắc”, 93 cá nhân là “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, 26 tập thể và 552 cá nhân đạt “Lao động tiến tiến” và nhiều phần thưởng có ý nghĩa khác.

 

Từ thành công của quá trình phấn đấu, nỗ lực và các giải pháp thiết thực của tập thể cán bộ, công chức, giáo viên trong năm qua, ngành GD-ĐT huyện Cao Phong đang tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”; duy trì phong trào thi đua: Thực hiện kỷ cương nền nếp, đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục”; đẩy mạnh nhân rộng điển hình tiên tiến, gắn nội dung thi đua với các cuộc vận động; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất phong trào thi đua, đảm bảo tính công khai, minh bạch, qua đó động viên được cán bộ, giáo viên trong toàn huyện, phấn đấu trở thành một trong những điểm sáng về công tác GD-ĐT trong những năm tới./.

 

Một huyện thuần nông, chủ yếu là canh tác hoa màu và cây ăn quả, những năm gần đây, Cao Phong bắt đầu nổi tiếng với thương hiệu Cam – Sản phẩm đã được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn và ưa thích, với sức lan tỏa ngày càng rộng lớn, thì người dân nơi đây cũng ghi nhận sự nỗ lực âm thầm của đội ngũ công chức, giáo viên huyện Cao Phong, đang ngày đêm mang hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp “trồng người”. Ngành GD-ĐT huyện Cao Phong đang chắp cánh cho các thế hệ tương lai, để các em học sinh có kiến thức, có kỹ năng và biết đâu, trong số hàng chục ngàn học sinh trưởng thành từ mái trường quê hương sẽ có nhiều người trở lại mảnh này để làm giàu từ cây cam, mang thương hiệu Cao Phong cùng các sản vật khác đến với mọi miền đất nước và vươn ra thế giới. 

 

Linh Phương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang