Báo cáo cập nhật mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đối với CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cho thấy, doanh nghiệp (DN) này trong quý 4/2022 vẫn phải chịu tác động từ tỷ giá và lạm phát ở Mỹ.
"Bão lạm phát" ở thị trường lớn
Các khách hàng gián tiếp của STK là Adidas, Nike, Puma, Reebok, Decathlon… cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các “luồng gió” vĩ mô. Còn theo STK, sự chậm trễ trong các đơn đặt hàng của các khách hàng dệt do mức tồn kho cao của phía sản xuất và bán hàng sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ sản lượng của công ty trong quý 4/2022, và có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn.
Theo quan sát của giới phân tích, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu (XK) trong quý 4/2022 của các DN dệt may có sự sụt giảm do khó khăn từ một số thị trường lớn.
Như tại thị trường EU, doanh số bán lẻ của khu vực đồng tiền chung Euro giảm mạnh. Triển vọng ngành bán lẻ, tiêu dùng của EU nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn thấp và lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Không chỉ vậy, tăng trưởng chuỗi giá trị ngành dệt may toàn cầu có khả năng suy giảm khi tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong bối cảnh lạm phát ở các thị trường XK chính của Việt Nam tiếp tục ở mức cao.
Các đơn đặt hàng trong ngành dệt may được cho là sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về lạm phát và suy thoái cho đến nửa đầu năm 2023. Các đơn đặt hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện vào cuối quý 1 hoặc quý 2/2023 nếu lạm phát giảm bớt.
Theo lãnh đạo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, các DN trong tháng 10/2022 mới chỉ có đơn hàng đạt khoảng 50%-70% năng lực, tháng 11 và tháng 12/2022 chưa có đơn hàng.
Thị trường sợi dự kiến tiếp tục khó khăn, cầu chưa có dấu hiệu cải thiện, giá xơ năm 2022 tăng cao theo biến động của giá dầu và giá bông. Lãnh đạo Vinatex cho rằng ngành may sẽ khó khăn hơn do thời điểm cuối vụ hàng Đông, chuẩn bị hàng Xuân. Hầu hết các đơn vị may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10, đơn hàng cho tháng 11, 12/2022 thiếu khoảng 35% - 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá.
Còn theo báo cáo cập nhật từ Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 của tháng 10/2022, XK dệt may đã giảm 240 triệu USD (tương ứng giảm 15,8% so với kỳ 2 của tháng 9/2022).
Bên cạnh dệt may, XK giày dép trong nửa đầu tháng 10/2022 cũng giảm 125 triệu USD (tương ứng giảm 12,1% so với kỳ 2 của tháng 9/2022). Ngoài ra, có thể kể đến XK nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã giảm 1,35 tỷ USD (tương ứng giảm 41,4%); nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 526 triệu USD (tương ứng giảm 22,2%)…
Chủ động phòng ngừa, phản ứng linh hoạt
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá XK hàng hóa của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (đang chiếm 73,8% tổng trị giá XK của cả nước) trong kỳ 1 tháng 10/2022 đạt 10,45 tỷ USD, giảm 20,5%, tương ứng giảm 2,69 USD so với kỳ 2 tháng 9/2022.
Với mặt hàng XK chủ lực như sản phẩm gỗ, tuy chưa có số liệu cập nhật mới nhất trong tháng 10/2022, nhưng theo đánh giá cho thấy lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng XK của ngành này trong 2 tháng còn lại của năm 2022.
Chẳng hạn như thị trường Mỹ với lạm phát vẫn đang gia tăng. Còn tại các thị trường XK chính của nhóm hàng đồ gỗ là các nước EU, cùng với tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Do đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các DN Việt cũng bị tác động trực tiếp trong 2 tháng cuối năm nay.
Mặt khác, theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, lạm phát ở các thị trường XK khiến sức mua suy giảm. CPI (chỉ số giá tiêu dùng) các nước này hầu hết cao hơn Việt Nam. Điều này đang gây áp lực khiến đồng tiền các nước này hầu như giảm sức mua so với tiền đồng Việt Nam, qua đó làm giảm tính cạnh tranh về giá của hàng Việt Nam XK.
Có thể nói, vẫn đang có những lo ngại về khó khăn đang xảy ra trên toàn cầu. Lạm phát tại EU vẫn ở mức cao và doanh số bán lẻ EU giảm mạnh ngay cả khi mùa đông (mùa mua sắm cuối năm) đang đến gần. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang giảm tốc, cũng góp phần phủ thêm bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Điều đáng nói hơn nữa, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ lạm phát đình đốn (Stagflation) đang có dấu hiệu quay trở lại ở nhiều nước lớn trên thế giới. Lạm phát đình đốn có thể hiểu đơn giản là một giai đoạn mà lạm phát cao đi kèm với kinh tế trì trệ, tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Ở góc nhìn tích cực, các chuyên gia cho rằng, mặc dù tiêu dùng toàn cầu tiếp tục có dấu hiệu sụt giảm, xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn leo thang, và mùa đông trên thế giới đang đến gần…, nhưng XK của Việt Nam trong 2 tháng còn lại của năm 2022 vẫn có những lợi thế nhất định, nhờ vào năng lực sản xuất và môi trường vĩ mô ổn định.
Điều quan trọng là các nhà XK của Việt Nam cần dự kiến và có giải pháp phòng ngừa các tình huống tiêu cực của thị trường và các biến động khó dự báo của thị trường tài chính, lãi suất.
Đặc biệt, các DN cần kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường, kiên trì bảo vệ nguồn lực DN, bồi dưỡng sức chống chọi của mình trong bối cảnh nhiều tín hiệu không tốt bủa vây XK của Việt Nam không chỉ trong mùa tiêu dùng cuối năm 2022 mà có thể kéo dài sang năm 2023.
Theo VNbusiness